TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 02/05/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng ly hôn trên địa bàn tỉnh

Thứ hai, 21/12/2020

Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình có những diễn biến phức tạp, tình trạng ngoại tình, ly hôn, ly thân có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ năm sau cao hơn năm trước. Để khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong đời sống gia đình và thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”, giảm thiểu tình trạng ly hôn và những hệ luỵ mà ly hôn để lại cho cá nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh tập trung quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương liên quan đến công tác gia đình trên địa bàn tỉnh như: Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư và Thông tri số 30-TT/TU, ngày 19/5/2005 của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; giáo dục tiền hôn nhân; kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn; kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh xâm hại bạo lực cho trẻ em... Giáo dục, vận động gia đình tự nguyện, tự giác tích cực thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; tích cực thực hiện hương ước, quy ước ở địa bàn dân cư; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Ba là, thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”. Biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, điển hình trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

Bốn là, tăng cường công tác hoà giải, nhất là hoà giải ở cơ sở để kịp thời hoà giải những mâu thuẫn phát sinh trong gia đình để các cặp vợ chồng có ý định ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái.

Năm là, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có khó khăn về kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình tiên tiến; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm, nâng cao thu nhập của hộ gia đình.

Sáu là, tập trung tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra việc chấp hành pháp luật liên quan đến gia đình: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Hoà giải cơ sở;... nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Sở Văn hoá và Thể thao

Chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch và nội dung liên quan đến công tác gia đình trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai công tác gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; lồng ghép công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện: Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các giải pháp phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; các giải pháp an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo và giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo cơ sở giáo dục các cấp thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục về gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng bậc học, cấp học.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai công tác tuyên truyền về gia đình, công tác gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Sở Tư pháp

Chỉ đạo công tác trợ giúp pháp lý nói chung, pháp lý về hôn nhân và gia đình nói riêng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và kiểm tra để phát huy vai trò của hoạt động hoà giải cơ sở trong việc giải quyết các vụ mâu thuẫn trong cộng đồng nói chung và mâu thuẫn trong gia đình nói riêng; chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai có hiệu quả Luật Hôn nhân và Gia đình và tăng cường hoạt động phổ biến, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân, gia đình.

6. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo, định hướng nội dung tư tưởng, tuyên truyền về công tác gia đình tập trung vào những giá trị đạo đức, đạo lý truyền thống của gia đình Việt Nam.

7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai công tác gia đình, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về hôn nhân và gia đình, kỹ năng về xây dựng hạnh phúc; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đến đoàn viên, hội viên.

8. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, cung cấp kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình thông qua hoạt động của các chi, tổ hội phụ nữ, các lớp tập huấn, các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần giảm thiểu tỷ lệ ly hôn trên địa bàn tỉnh.

9. Đề nghị Tỉnh đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về xây dựng gia đình hạnh phúc; cung cấp kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, gia đình tiền hôn nhân; phát triển và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ để thanh niên có điều kiện giao lưu học hỏi kiến thức về hôn nhân, gia đình, làm kinh tế giỏi, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đã được nêu tại Văn bản này, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh, giảm thiểu các vụ ly hôn trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; giáo dục đời sống gia đình.

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; cho hoạt động tư vấn, can thiệp và xử lí các vụ việc về hôn nhân, gia đình được kịp thời và hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

T.H