Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thời gian qua công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Thứ nhất, về công tác tham mưu, ban hành văn bản triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2024; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 17/01/2020, số 09/KH-UBND ngày 19/01/2021 triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2020, 2021.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm như: Kế hoạch số 03/KH-STP ngày 16/01/2018, số 08/KH-STP ngày 25/01/2019, số 03a/KH-STP ngày 17/01/2020 thực hiện công tác pháp chế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật năm 2018, 2019, 2020.
Thứ hai, về kết quả tổ chức các hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật
Từ năm 2018 đến tháng 03/2021, Sở Tư pháp đã tổ chức 21 hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (15 lớp bồi dưỡng, 06 toạ đàm) cho hơn 21.000 đại biểu đại diện cho gần 250 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự. Nội dung các hội nghị tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về quản trị lao động trong doanh nghiệp; giới thiệu những nội dung cơ bản, điểm mới của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp vừa và nhỏ; soạn thảo hợp đồng cho cán bộ pháp chế các doanh nghiệp, tập huấn về nghiệp vụ công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản, một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu giá tài sản…
Cấp phát 24 đầu sách cho 200 danh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trang thông tin điện tử Sở Tư pháp; đồng thời, đăng tải những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, những chính sách mới, trao đổi nghiệp vụ, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ một cách có hệ thống, hiệu quả về pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, từ năm 2018 đến năm 2020, Sở Tư pháp đã thực hiện tư vấn 60 vụ việc cho doanh nghiệp; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, thuế doanh nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp…
Thứ ba, về công tác cập nhật, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp
Từ năm 2018 đến tháng 03/2021, Sở Tư pháp cập nhật 139 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành (32 Nghị quyết, 107 Quyết định) lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ kịp thời và thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản; thẩm định 12 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện rà soát, hệ thống hóa 808 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 1992 đến tháng 02/2021. Qua rà soát, Sở Tư pháp đã phát hiện nhiều văn bản về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế kịp thời.
Ngoài những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và quá trình triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, Sở Tư pháp nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất về thể chế: Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuy đã được điều chỉnh song vẫn còn chung chung khó triển khai thực hiện; việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn nhiều bất cập vì một số thủ tục hành chính muốn cải cách cần phải có thời gian sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy trình liên quan và việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan, do vậy cải cách thủ tục hành chính chỉ thành công khi mọi khâu đều quyết tâm đổi mới và thực hiện đồng bộ.
Thứ hai về kinh phí: Kinh phí phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm gần đây mặc dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Thứ ba về con người: Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan nhà nước chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên chưa tập trung, tâm huyết nghiên cứu về công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nên đôi lúc còn lúng túng trong việc hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp có yêu cầu.
Thứ tư về công tác phối hợp: Các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý vì chưa thực sự quan tâm đến công tác này, do vậy khi các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, có doanh nghiệp không tham dự hoặc cử người không đúng chức năng, nhiệm vụ đến tham dự. Đồng thời, khi được cơ quan nhà nước khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý để nắm bắt tình hình xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp không hợp tác hoặc trả lời miễn cưỡng, không sát với thực tế.
Từ những khó khăn, vướng mắc đó đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, vì kinh phí hiện nay mặc dù đã được cấp hàng năm song còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư: tiếp tục chủ trì tăng cường công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và các quy định của trung ương về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, từ đó kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay; phối hợp với Sở Tư pháp khảo sát đối với các doanh nghiệp về nhu cầu hỗ trợ pháp lý nhằm nắm bắt tình hình để xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp tại địa phương.
Đinh Nam