Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP; Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Năm 2019, với vai trò là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 của UBND tỉnh phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Thường xuyên thực hiện việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ kịp thời và thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản. Cấp phát 11 đầu sách cho 200 danh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình về Bộ Luật lao động, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.Tổ chức 04 hội nghị hỗ trợ pháp lý cho 600 đại biểu đại diện cho gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự, nhằm tập huấn kỹ năng soạn thảo hợp đồng, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh... Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 của Bộ Tư pháp tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với hơn 300 đại biểu đại diện cho gần 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự. Ngoài ra, Sở Tư pháp tăng cường thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua hình thức tư vấn pháp luật nhằm giúp đỡ, tư vấn, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 35/NQ-CP còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến doanh nghiệp thường xuyên thay đổi dẫn đến các doanh nghiệp khó nắm bắt được đầy đủ, kịp thời, vẫn còn tình trạng văn bản quy định chồng chéo gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Kinh phí phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm gần đây mặc dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, chưa được thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ nên đôi lúc còn lúng túng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ khi doanh nghiệp có yêu cầu.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, trước mắt cần tiếp tục khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình để xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp tại địa phương. Tăng cường rà soát văn bản, lập danh mục và kiến nghị sửa đổi các Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn không còn phù hợp hoặc chồng chéo liên quan đến doanh nghiệp từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế. Nâng cao vai trò, chất lượng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Văn phòng luật sư, Văn phòng tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghệp nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra./.
Đinh Nam