TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ tư, 18/09/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ năm, 25/05/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 19/5/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Việc triển Kế hoạch nhằm mục đích: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận hệ thống tri thức mở, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân về vị trí, vai trò của việc học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động, thu hút người dân hình thành thói quen học tập suốt đời trong các thiết chế văn hóa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

Theo đó, Kế hoạch quy định các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa của người dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa trong tuyên truyền, chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên các nền tảng số.

- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời gắn với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4), Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương.

- Tổ chức phát động phong trào, cuộc vận động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa và gắn kết chặt chẽ với các phong trào xây dựng mô hình công dân học tập, cuộc vận động xây dựng xã hội học tập.

- Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, các cách làm hay, sáng kiến có giá trị và sáng tạo trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

2. Củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với từng đối tượng.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để hệ thống thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa trong tỉnh đảm bảo tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

- Tăng cường phối hợp liên kết giữa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa với nhau và với các tổ chức đơn vị, cơ sở giáo dục, hội khuyến học các cấp, liên đoàn lao động các cấp, trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn… để tổ chức hiệu quả hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời.

- Xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; đổi mới phương thức hoạt động và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ số; tăng cường hợp tác trong tạo lập và chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các thiết chế văn hóa và các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức hỗ trợ người dân học tập suốt đời.

- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 30/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chuyển đổi số, bổ sung nguồn lực thông tin để nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện; chú trọng phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, thư viện kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân tại cơ sở.

- Thường xuyên nâng cấp, chỉnh lý các không gian trưng bày cố định và các trưng bày chuyên đề theo hướng đổi mới, sáng tạo về nội dung và hình thức; ứng dụng công nghệ số làm nổi bật những giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh Ninh Bình và tạo sự hấp dẫn thu hút khách tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng.

- Xây dựng, tổ chức đa dạng các mô hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các trung tâm văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia hoạt động học tập suốt đời, sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật.

3. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động làm việc trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa nhằm cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ học tập suốt đời của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số.

- Biên soạn, in ấn các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời.

- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên tham gia tổ chức và triển khai các hoạt động học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

4. Tăng cường hợp tác trong các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động học tập ngoài nhà trường, về truyền thông và vận động cộng đồng, tham gia hoạt động học tập suốt đời giữa các cơ quan, đơn vị chuyên ngành trong tỉnh, ngoài tỉnh và các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

- Tích cực tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các sự kiện trong và ngoài tỉnh liên quan đến xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.

- Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong việc tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa ngoài công lập; tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng các chương trình giáo dục trong thiết chế văn hóa.

- Đẩy mạnh việc vận động, quyên góp, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đội ngũ trí thức vào tổ chức hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa./.

P.T