TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 15/10/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19

Thứ ba, 19/10/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều ngày 18/10/2021, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng dự Hội đồng thẩm định có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Báo cáo tại phiên thẩm định, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như xét nghiệm phát hiện, tổ chức thu dung điều trị người bệnh Covid, tìm kiếm các nguồn vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế...
Do đây là lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra đại dịch nguy hiểm ở quy mô lớn nên mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch vẫn tiếp tục xuất hiện các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, tập trung vào 04 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược; Trang thiết bị y tế; Trong đó có 08 vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đó là: Về phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật của cơ sở thu dung điều trị Covid-19; Về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19; Về thanh toán chi phí thực hiện tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; Về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Về chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu; Về gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Về sử dụng thuốc sản xuất trong nước thuộc lô thuốc được sản xuất để phục vụ cấp số đăng ký lưu hành trong phòng, điều trị Covid-19 nếu thuốc đó được cấp phép lưu hành; Về bình ổn giá trang thiết bị y tế.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và đã xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.

 


 

Tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận về: sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thẩm quyền và hình thức văn bản; nội dung dự thảo văn bản; đánh giá sự phù hợp nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, tính hợp hiến, hợp nhất, tính thống nhất của dự thảo văn bản, tính tương thích với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngôn ngữ kỹ thuật, trình tự, thủ tục soạn thảo... Từ đó, các đại biểu dự họp đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến đối với những nội dung nêu trên.
Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao  về sự cần thiết, tính cấp bách của việc ban hành dự thảo Nghị quyết. Thứ trưởng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về thẩm quyền và hình thức văn bản, thủ tục, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết… Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ thời hạn áp dụng đối với một số nội dung được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết, nội dung nào xác định áp dụng có thời hạn, nội dung nào áp dụng trong thời gian dài và phải gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý các đại biểu dự họp, rà soát kỹ lưỡng thủ tục, nội dung, ngôn ngữ kỹ thuật trình bày văn bản, tránh bỏ sót đối tượng áp dụng…

 

 

 Trích nguồn: https://moj.gov.vn/