Chiều 26/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi).
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cho biết, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 9/2/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2024, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi).
Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì cuộc họp.
Theo đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Kiếm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan THADS làm cơ sở xây dựng chính sách. Cùng với việc nghiên cứu, bổ sung chính sách mới, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo: kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp của pháp luật THADS; rà soát các quy định pháp luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cấp dưới; thể chế hóa Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thông qua công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân các cấp nhằm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục THADS, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong hoạt động THADS; sửa đổi, bổ sung các quy trình tổ chức thi hành án nhằm rút ngắn thời gian thi hành án, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động THADS.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái phát biểu tại cuộc họp.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở có chọn lọc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn liên quan đến THADS thông qua việc tổ chức nghiên cứu 5 đề tài cấp Bộ về các nội dung có liên quan và tổ chức các buổi Hội thảo, tọa đàm; đồng thời đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật THADS; đồng thời góp ý cụ thể đối với các chính sách như: xác định rõ trách nhiệm của Chấp hành viên trong xác minh THADS, bổ sung cơ sở pháp lý để người được THADS được quyền chủ động xác minh (tự mình hoặc ủy quyền cho Thừa phát lại), cơ quan THADS sẽ là người quyết định việc lựa chọn và sử dụng kết quả xác minh để làm căn cứ tổ chức thi hành án; cụ thể hóa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong THADS… Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ nét hơn về việc tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Các đại biểu thảo luận, trao đổi ý kiến tại cuộc họp.
Sau khi nghe các ý kiến, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ đúng thời hạn.
Đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi) gồm 5 chính sách: Quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong THADS; Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác; Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, VKSND, TAND, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS; Hoàn thiện trình tự, thủ tục THADS; Đảm bảo nguồn lực để tổ chức THADS.
Trích nguồn:https://moj.gov.vn