TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 15/10/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với cách tiếp cận mới

Thứ năm, 31/03/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Qua 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, một trong những yêu cầu tới đây là khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với những cách tiếp cận mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn.

Để lại nhiều dấu ấn đậm nét

* Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hoạt động, kết quả nổi bật đạt được trong 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP?

- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, thời gian qua, Bộ, ngành Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai cơ bản toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm gắn với các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn tại các bộ, ngành, địa phương, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên một số điểm sau:

Thứ nhất, ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời ban hành các Kế hoạch triển khai, văn bản hướng dẫn; chú trọng phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP tới toàn thể cán bộ, công chức cũng như vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế. Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã ban hành Đề án thành lập tổ chức pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; ban hành Chỉ thị về việc triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, thể chế về công tác pháp chế tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời xây dựng, ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BTP hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các thông tư, thông tư liên tịch về cơ chế, chính sách bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác điều ước, thỏa thuận quốc tế, pháp điển, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành các thông tư hướng dẫn về việc thành lập và cơ cấu tổ chức pháp chế trong hệ thống lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Thứ ba, tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương được quan tâm củng cố, kiện toàn. Tới nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đều đã thành lập được Vụ Pháp chế (Bộ Công an thành lập Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, tại Văn phòng Chính phủ là Vụ Pháp luật, Bộ Ngoại giao có Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế). Tại nhiều địa phương đã thành lập được Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Một số doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn, Tổng công ty đã quan tâm, thành lập tổ chức pháp chế. Chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế được quan tâm, chú trọng nâng cao. Hàng năm, Bộ Tư pháp đều tổ chức các hội nghị tập huấn, các lớp bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế; xây dựng và xuất bản các cuốn Sổ tay, Cẩm nang về nghiệp vụ pháp chế, trong đó chú trọng các kiến thức chuyên sâu, tập trung giải đáp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai thi hành.

Thứ tư, công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện theo hướng linh hoạt, gắn với tình hình thực tiễn tại từng cơ quan, địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và triển khai có hiệu quả, thực chất các Chương trình phối hợp công tác trong từng giai đoạn, kế hoạch công tác pháp chế gắn với các nhiệm vụ cụ thể theo từng năm như đối với Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực như vậy, công tác pháp chế thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, thu được nhiều kết quả nổi bật như: (i) Nhận thức, ý thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng được nâng lên, theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên đầu tư nguồn lực để thực hiện; tới nay, đã có nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, pháp chế; (ii) Tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng lớn mạnh, năng lực, trình độ được chuẩn hóa, chất lượng công tác tham mưu ngày càng được nâng cao, hiệu quả hơn; (iii) Công tác pháp chế ngày càng nền nếp, bài bản, sắc nét hơn, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.

* Thưa Thứ trưởng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 55 và các văn bản hướng dẫn thi hành, có những khó khăn, hạn chế nào và đâu là nguyên nhân chủ yếu?

- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nổi bật trên một số điểm sau:

Một là, việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở một số địa phương còn hạn chế, mô hình chưa thống nhất. Mặc dù nhiều địa phương đã thành lập được Phòng Pháp chế tại các sở, ngành, tuy nhiên, thực hiện các chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, nhiều Phòng Pháp chế sau đó đã giải thể. Nhiều địa phương chưa thành lập được tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh mà chủ yếu bố trí cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ kiêm nhiệm (hiện có 6.758 cán bộ làm việc kiêm nhiệm, chiếm tỷ lệ 71,9%); có nơi không bố trí được biên chế.

Hai là, trình độ, năng lực của đội ngũ người làm công tác pháp chế chưa đồng đều, vẫn còn nhiều người chưa có trình độ cử nhân luật, nhất là tại địa phương (có 1.804 người). Một số tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế chưa khẳng định được vị trí, vai trò, chất lượng công tác tham mưu chưa được như mong muốn.

Ba là, một số nhiệm vụ công tác pháp chế hiệu quả chưa cao, nhất là trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách; công tác tổ chức thi hành pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh, đồng bộ để thực hiện; nội dung, hình thức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thật sát và phù hợp với đối tượng, nhu cầu thực tiễn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên, bao gồm cả mặt chủ quan, khách quan, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế tại một số cơ quan, tổ chức, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực tương xứng đối với công tác này. Nhiều nơi mặc dù đã nhận thức rõ nhưng chưa có biện pháp cụ thể để đầu tư thỏa đáng; (ii) công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác pháp chế trên một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, có việc còn bị động; (iii) năng lực, trình độ, kỹ năng của một bộ phận cán bộ pháp chế còn hạn chế, không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Tình trạng cán bộ làm việc kiêm nhiệm khá phổ biến ở các địa phương; (iv) chế độ, chính sách đối với người làm công tác pháp chế chưa được quan tâm đúng mức, việc thực hiện chế độ ưu đãi theo nghề của người làm công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP tới nay không thực hiện được, dẫn tới tình trạng nhiều cán bộ không yên tâm công tác, chuyển vị trí làm việc; (iv) một số quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế.

Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế

* Để tiếp tục phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế, những việc cần làm tới đây là gì, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu, tiếp tục phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật, trong giai đoạn tới cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các cấp, các ngành, địa phương; quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “đầu tư xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là đầu tư cho phát triển” để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực một cách thực chất, thỏa đáng cho công tác này.

Hai là, chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế.

Ba là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với những cách tiếp cận mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình của các tổ chức pháp chế; xây dựng, xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao công tác trong lĩnh vực này.

Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, các địa phương cần tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế, đảm bảo các tổ chức pháp chế hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp trong quá trình xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý trong triển khai công tác pháp chế thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của khoa học công nghệ trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động pháp chế; quy trình hóa, mẫu hóa hồ sơ xử lý công việc theo hướng khoa học, đơn giản, thuận tiện.

Trích Nguồn: https://moj.gov.vn