Sáng nay (20/10), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía Công ty Tài chính quốc tế có ông Jingchang Lai, Giám đốc bộ phận phát triển Cơ sở Hạ tầng tài chính khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Nhóm tư vấn các định chế tài chính, IFC/WBG; Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, Trường Luật Robert H.McKinney, Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Về phía Việt Nam có ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và các đại biểu đến từ giới ngân hàng, văn phòng đăng ký, thành viên xây dựng Tổ biên tập dự thảo Nghị định.
Thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 của Chính phủ, trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2020, Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hội thảo chính là diễn đàn cho các chuyên gia, đại diện tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp hoàn thiện quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn ở Việt Nam và phù hợp với quốc tế.
Với ý nghĩa đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả của Hội thảo cùng với các hoạt động lấy ý kiến khác, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự thảo Nghị định, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường tài chính nói chung và thị trường tín dụng nói riêng vận hành một cách thông suốt, lành mạnh và bền vững.
Về nội dung dự thảo, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định giới thiệu một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định; Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản, trong đó, khuyến nghị về việc cần thiết xây dựng Luật về giao dịch bảo đảm, nhấn mạnh về xu thế và tầm quan trọng của tài sản là động sản trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm hiện tại và trong tương lai... Ngoài ra, đại diện của IFC Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng, các Ngân hàng (Sacombank, OCB, Việt Á), Công ty Luật Allen and Overy, VILAF và nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đã có các ý kiến góp ý về các nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị định.
Các ý kiến phát biểu, góp ý của các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng, để khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, góp phần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, khơi thông, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thì việc ban hành Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị định, đặc biệt các vấn đề về mô tả tài sản bảo đảm liên quan đến động sản là quyền tài sản, tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, kho hàng; về đầu tư vào tài sản thế chấp; về xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai; về một số vấn đề mà dự thảo Nghị định chưa quy định, như: đại lý nhận bảo đảm, hàng hóa trong kho, khoản tiền phải thu, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thay mặt Bộ Tư pháp ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị định để báo cáo Ban soạn thảo và cấp có thẩm quyền, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến sự hiện diện của các đại biểu và tính hữu ích của các ý kiến góp ý tại Hội thảo.
Trích nguồn: https://moj.gov.vn/