Sáng 28/7, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Vụ PBGDPL) – Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm về việc hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Chủ trì Tọa đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Phó Trưởng Ban soạn thảo Đề án thông tin quá trình xây dựng các Đề án này đã nhận được sự quan tâm, phối hợp góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương; Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát tổng thể các văn bản, quy định có liên quan để bảo đảm các nội dung của dự thảo Đề án không trùng lắp, chồng chéo, đồng thời còn hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm vụ đang được triển khai.
Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Từ đó, Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tiếp cận thông tin pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân và các nhóm đặc thù, yếu thế; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật…
Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” đề ra mục tiêu tổng quát là đổi mới toàn diện, tạo sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động, khả thi, phù hợp với thực tiễn, tính chất, mục tiêu, yêu cầu của công tác PBGDPL trong từng giai đoạn của đời sống xã hội; giúp công tác này đi vào thực tiễn, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án bao gồm nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; ban hành khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL…
Báo cáo về việc hoàn thiện 2 Đề án nêu trên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết, trên cơ sở Công văn số 4375/VPCP-PL ngày 13/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, hiện nay Vụ PBGDPL là cơ quan chủ trì xây dựng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo để tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và hoàn thiện 02 Đề án. Trong đó giải trình rõ việc tham mưu thời gian thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” từ năm 2023 đến năm 2030, xuất phát từ lý do Đề án là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu hình thành thói quen, văn hóa sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống người dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tổng thể, toàn diện, có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và nhiều lĩnh vực quản lý của Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; nhiều cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó một số Đề án tại Nghị quyết số 50/NQ-CP có liên quan đến Đề án nói trên đang xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành (Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Đề án nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…) cũng được thực hiện đến năm 2030. Nghị quyết số 50/NQ-CP không xác định cụ thể thời gian thực hiện Đề án và để thực hiện thực chất, hiệu quả, có chiều sâu các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, cần thiết triển khai thực hiện Đề án từ năm 2023 đến năm 2030, trong đó có việc tổng kết thực tiễn, đánh giá những bất cập, hạn chế và báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện cho phù hợp với thực tế.
Cùng với đó, một số nội dung của Đề án đã được rà soát, chỉnh lý cho phù hợp, trong đó làm rõ nội dung và thời gian thực hiện nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng phù hợp, khả thi; lồng ghép các mô hình liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân để tránh trùng lắp, bảo đảm ngắn gọn; căn chỉnh nhiệm vụ phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng trọng tâm, tập trung củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong chủ trì nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động cung cấp thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật để phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao.
Đối với Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”, Vụ đã rà soát, xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong từng nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, bảo đảm các nhiệm vụ của Đề án không trùng lặp với các đề án khác đang triển khai và các quy định hiện hành. Ngoài ra, Vụ PBGDPL cũng chỉnh lý một số nội dung: chỉnh lý, thu gọn quan điểm chỉ đạo xây dựng Đề án; thay tỉnh Lào Cai bằng tỉnh Quảng Ninh để thực hiện làm điểm của Đề án; thay đổi tên gọi “Bộ tiêu chí khung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL” thành “Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL”; bổ sung thêm nhiệm vụ “Thẩm định kết quả thực hiện Khung tiêu chí của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện thí điểm”, do Bộ Tư pháp chủ trì; chỉnh lý một số từ ngữ, sắp xếp lại một số nhiệm vụ để đảm bảo sự thống nhất, logic và khả thi hơn.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tham dự Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết đại diện đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ đồng tình với nội dung của các dự thảo Đề án, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể và một số vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp; tuy nhiên một số nội dung cần rà soát, có thể lồng ghép, xử lý kỹ thuật để rõ hơn, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định tại các Đề án khác hoặc các quy định khác của Chính phủ. Sau buổi Tọa đàm, Vụ PBGDPL sẽ khẩn trương rà soát lại và báo cáo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban soạn thảo Đề án.
Trích Nguồn:https://pbgdpl.moj.gov.vn
|