Ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Bộ Tư pháp được giao là cơ quan đầu mối và quản lý nhà nước đối với công tác trên, Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) về những nội dung liên quan.
Xin ông cho biết mục đích cũng như ý nghĩa của việc ban hành Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật"?
TS. Lê Vệ Quốc: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trước những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và công tác PBGDPL nói riêng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực tiễn cuộc sống hiện nay thì hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần phải đổi mới về nhận thức, tư duy và cách thức thực hiện, không chỉ tập trung vào hoạt động quản lý nhà nước về công tác này mà cần xác định "kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật của người dân là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL" như Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã chỉ rõ.
Với mục đích xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL có tính khoa học, khách quan, toàn diện, chặt chẽ, khả thi, góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất, việc ban hành và thực hiện Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông, việc đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL được thể hiện như thế nào?
TS. Lê Vệ Quốc: Trước yêu cầu nhiệm vụ và bối cảnh mới, tôi cho rằng, hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần phải có sự đổi mới, điều đó thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, đổi mới cách tiếp cận trong xây dựng các tiêu chí đánh giá. Theo đó, Khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL sẽ gồm tiêu chí chung do Bộ Tư pháp xây dựng, áp dụng cho tất cả các bộ, ngành, địa phương và tiêu chí riêng do các bộ, ngành, địa phương tự xây dựng phù hợp với mục tiêu, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, điều kiện của cơ quan, đơn vị mình.
Hiện tại, công tác PBGDPL được thực hiện bởi nhiều chủ thể, mỗi ngành, cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, nếu áp dụng chung một bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác này cho tất cả các chủ thể, các lĩnh vực, địa bàn; không có nhóm tiêu chí riêng do các bộ, ngành địa phương nghiên cứu, xây dựng, thực hiện trên cơ sở đặc điểm riêng của họ thì sẽ khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ hai, về cách thức đánh giá, việc đánh giá thực hiện trên cơ sở so sánh, đo lường giữa mục tiêu, yêu cầu của công tác PBGDPL, nguồn lực đầu tư với kết quả đạt được trên thực tế.
Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá cần bảo đảm kết hợp giữa hiệu quả việc thực hiện quản lý nhà nước, PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương và sự tác động của công tác PBGDPL đối với chuyển biến về nhận thức, hành vi tuân theo pháp luật của đối tượng được PBGDPL. Đồng thời, có sự kết nối với các bộ tiêu chí, chỉ số khác có nội dung liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực trong đánh giá.
Thứ ba, đổi mới về chủ thể đánh giá. Tôi cho rằng, ngoài việc bộ, ngành, địa phương tự đánh giá thì cần có sự tham gia của đối tượng thụ hưởng công tác PBGDPL (người dân, tổ chức, doanh nghiệp) để bảo đảm tính khách quan, toàn diện. Việc đánh giá thực hiện trên cơ sở so sánh, đo lường giữa mục tiêu, yêu cầu của công tác PBGDPL, nguồn lực đầu tư với kết quả đạt được trên thực tế.
Vậy trách nhiệm của Bộ Tư pháp cũng như của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL" như thế nào, thưa ông?
TS. Lê Vệ Quốc: Đề án đã đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo lộ trình thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026. Trong mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện để bảo đảm Đề án triển khai theo đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, với vai trò là cơ quan chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm của các bộ, ngành, địa phương và tổng kết thực hiện thí điểm, đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế, các giải pháp khác về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Đồng thời, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ huy động xã hội hóa, xây dựng các phần mềm phục vụ cho hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh thực hiện thí điểm có trách nhiệm ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, trong đó xác định cụ thể lĩnh vực, đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện để từ đó xây dựng và ban hành tiêu chí riêng thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, UBND.
Các bộ, ngành, địa phương sẽ phải tự xây dựng các tiêu chí riêng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, mục tiêu trong từng giai đoạn, đồng thời tổ chức tự đánh giá theo Khung tiêu chí và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải tiếp tục thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL đang có hiệu lực pháp luật (bao gồm cả các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm theo Đề án này).
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả của Đề án, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm, tham gia đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác, góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Trích Nguồn:https://pbgdpl.moj.gov.vn