Năm 2021 đi qua là một năm nhiều khó khăn đối với ngành Tư pháp trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, song bằng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, toàn ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thi hành pháp luật
Xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, toàn Ngành đã kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình KTXH của đất nước và của từng địa phương.
Để giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được an toàn, thông suốt, hiệu quả trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn chuyên môn đối với các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương; đã chỉ đạo rà soát, lồng ghép, điều chỉnh các chương trình/kế hoạch công tác, cắt giảm tối đa các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, kiểm tra, khảo sát trực tiếp để phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tiễn từng địa phương.
Tại các bộ, ngành, địa phương, Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp đã tham mưu có trách nhiệm trong việc rà soát các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cũng như tham mưu ý kiến pháp lý đối với các văn bản, vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại bộ, ngành, địa phương.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật để lại những dấu ấn đậm nét khi toàn ngành tập trung nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát VBQPPL được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.
Chất lượng nhân lực tư pháp tiếp tục được nâng cao
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Năm 2021 là năm đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức thành công Chương trình “Gương sáng Pháp luật” để biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp: thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật... đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, với tinh thần hỗ trợ, linh hoạt tối đa để giải quyết các công việc liên quan đến người dân như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chứng thực đăng ký giám hộ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ bị mồ côi, không có người nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân thích bởi dịch bệnh Covid-19; công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm…Nhiều địa phương đã có những mô hình, cách làm hay trong công tác.
Năm 2021, toàn Ngành Tư pháp đã và đang tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy theo tinh thần và quy định của các Nghị quyết Trung ương về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chất lượng nhân lực tư pháp tiếp tục được nâng cao để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành trong giai đoạn mới…Những kết quả nêu trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, theo Bộ Tư pháp, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng đến nay số văn bản chậm ban hành vẫn còn; chất lượng một số VBQPPL của các Bộ, ngành, địa phương còn thấp; công tác PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để...
Ưu tiên thể chế hóa những định hướng chính sách lớn
Năm 2022, dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn… sẽ tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Trong bối cảnh chung đó, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; thể hiện trong các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tư pháp xác định sẽ ưu tiên thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tổ chức thi hành hiệu quả VBQPPL; Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công tác này; Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội.
Cùng đó, hoàn thiện pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Bộ, ngành Tư pháp sẽ triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các vấn đề quốc tịch cụ thể phát sinh trong thực tiễn. Nâng cao hiệu quả công tác TGPL, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.
Tích cực tham mưu với Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp trong hoạt động đầu tư quốc tế; Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp...
Trích nguồn: https://moj.gov.vn/