Việc ban hành các Nghị quyết về đất đai cần bám sát thực tiễn, các cơ sở chính trị về đất đai, bảo đảm các chủ trương mới của Đảng về chính sách đất đai được thể chế hóa bằng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tham dự Hội nghị có Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã dự thảo lần thứ 15 của Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 về vấn đề đất đai trong khuôn khổ của Cương lĩnh năm 2011, Hiến pháp năm 2013 và sau khi đã tiếp thu ý kiến từ báo cáo của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức hội, 63 đảng ủy các địa phương, các ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước tại các hội thảo, tọa đàm, hội nghị lấy ý kiến các chuyên đề nghiên cứu phục vụ công tác tổng kết...
Ông Trần Tuấn Anh cho biết đất đai là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thông qua quá trình xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, có một số vấn đề đã được thống nhất, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất và xin ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội về các nội dung này, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị quyết để trình Bộ Chính trị tiếp tục xem xét, trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, quyết định ban hành Nghị quyết mới của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, dự kiến sẽ khai mạc vào tháng sau (5/2022).
['Chính sách, pháp luật về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích']
Phát biểu gợi ý thảo luận cho các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Bộ Chính trị đã hai lần cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Nghị quyết số 19. Các nội dung xin ý kiến Đảng đoàn lần này vừa liên quan trực tiếp đến chủ trương của Trung ương, vừa liên quan trực tiếp đến việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai (dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2022).
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ mục tiêu của việc tổng kết Nghị quyết số 19 và sửa đổi Luật Đất đai là nhằm quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp liên quan tới đất đai (chiếm 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo).
Tại Hội nghị, trên cơ sở báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đã tập trung thảo luận, làm rõ các điểm mới của báo cáo tổng kết và dự thảo Nghị quyết mới so với Nghị quyết số 19-NQ/TW trên cơ sở chính trị là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn của các đề xuất, đồng thời làm rõ đánh giá tác động của các đề xuất đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Đảng rất quan trọng nhưng riêng các Nghị quyết về đất đai thì càng phải đề cao sự cẩn trọng hơn nữa; đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục chắt lọc các ý kiến đóng góp của Đảng đoàn Quốc hội, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, khung khổ các cơ sở chính trị về đất đai, bảo đảm các chủ trương mới của Đảng về chính sách đất đai phải được thể chế hóa bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng khiếu kiện, tố cáo trong lĩnh vực này.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục nghiên cứu kỹ các chủ trương lớn của Đảng, thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội để tiếp tục bám sát báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19 và triển khai xây dựng chính sách pháp luật về đất đai trong thời gian tới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, khẳng định nội hàm chủ trương mới của Đảng cần phải khả thi, thuận lợi cho việc thể chế hóa bằng luật pháp.
Trích Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn