Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ nhiệm kỳ này vẫn coi trọng xây dựng thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên số 1.
Ngày 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dưới sự chủ trì điều khiển nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi, khẩn trương.
Các ý kiến phát biểu của đại biểu đều rất cụ thể, tâm huyết, trách nhiệm cao, cơ bản đồng tình với Báo cáo đánh giá và Tờ trình cùng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề cụ thể và đề xuất thêm nhiều giải pháp để tiếp tục cải tiến việc xây dựng Chương trình pháp luật nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các vấn đề cụ thể, đại biểu cũng đề xuất thêm việc nghiên cứu và xây dựng một số dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong nhiệm kỳ này.
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, với tư cách cơ quan tổng hợp báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, có nhiều ý kiến thống nhất với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất lượng và những cố gắng của Chính phủ trong việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua và đặc biệt là trong 2 năm, năm 2021 và nửa đầu năm 2022 với rất nhiều các biến đổi, thách thức trên thực tế đối với đất nước chúng ta.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, kể cả những gợi ý về các dự án cụ thể, Bộ trưởng Lê Thành Long báo cáo bổ sung thông tin về 2 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là về những việc chung. Theo Bộ trưởng, tiếp tục nhiệm kỳ trước của Chính phủ thì Chính phủ nhiệm kỳ này vẫn coi trọng xây dựng thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên số 1. Cụ thể, đã có 1 hội nghị về công tác thể chế, 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, 42 cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các dự án luật khác nhau. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ.
Riêng cách làm của năm nay có những điểm khác với cách làm trước và điều này cũng đạt được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng dẫn chứng, tổng cộng các tờ trình để bổ sung, thực hiện làm Chương trình 2023 và điều chỉnh bổ sung Chương trình 2022 của Chính phủ là 6 tờ trình và cứ có tờ trình nào thì Ủy ban Pháp luật thẩm định, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tham gia thẩm định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo hình thức cuốn chiếu, đó chính là điểm khác và đáp ứng yêu cầu thực tế đề ra, những kết quả đạt được cũng tương đối nhiều. Nổi bật là Nghị quyết 30 hay kéo dài Nghị quyết 42 mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua trong Kỳ họp này và hàng loạt các nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù để phục vụ cho sự phát triển của từng địa phương.
Nhóm vấn đề thứ hai, liên quan đến một số các dự án cụ thể. Báo cáo nhanh một số thông tin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Luật Giao thông đường bộ sẽ trình đồng thời với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Về Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, Chính phủ cũng đã có kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó đã nói là: định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng, thực hiện các giải pháp thí điểm, sau đó nghiên cứu để thể chế hóa.
Về pháp luật dân tộc, theo Bộ trưởng, cần phải tính đến một cơ chế rằng là chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta rất rõ ràng. Hiện có khoảng 120 các quy định khác nhau, nhưng trong quá trình thảo luận cũng có những ý kiến cho rằng phải chăng chúng ta cứ thực hiện các chính sách dân tộc như thế này sẽ đảm bảo nhạy cảm, rõ ràng và linh hoạt hơn để điều chỉnh cho từng thời kỳ thay vì quy định ở trong luật. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.
Với Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế, hiện chưa có trong Đề án của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã trình Luật Phát triển công nghiệp và sẽ lưu tâm thêm chỗ này để xem chúng ta có thể có các quy định liên quan đến khu công nghiệp, khu kinh tế hay không.
Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại đã có trong Đề án chương trình định hướng xây dựng luật, pháp lệnh; Luật Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca đã có lần thảo luận. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn có thể thấy rằng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đã có trong Hiến pháp và một số các quy định trong luật hình sự, nếu chúng ta xúc phạm đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca…
Nhóm các luật liên quan đến y tế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, hầu hết các luật mà các đại biểu Quốc hội đề xuất đều đã nằm ở trong chương trình Đề án như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… và đều có thời hạn đến giữa năm 2022 hoặc cuối năm 2022 phải kết thúc phần rà soát và đề nghị bổ sung vào Chương trình. Tương tự như vậy, về Luật Việc làm, Luật Hiến, ghép mô, tạng đã có trong Đề án…
Nhóm các luật về giao dịch điện tử và cấp, thoát nước có thể không đúng tên như các đại biểu đề ra nhưng cũng đã có trong Đề án. Tương tự, đối với thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về Đồng bằng sông Cửu Long thì Chính phủ đang làm chương trình hành động để thực hiện, trong đó có vấn đề về thể chế.
Trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, cố gắng làm tốt hơn nữa việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho những năm tiếp theo./.
Trích Nguồn:https://moj.gov.vn