TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 15/10/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Cần sửa đổi, bổ sung nội dung chi và mức chi đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật

Thứ sáu, 26/11/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 24/11/2021, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tổ chức cuộc họp báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh về kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 14). Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Tư pháp (Văn phòng Bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Cục Kế hoạch - Tài chính).

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 25 bộ, ngành, đoàn thể trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 14, trong đó tập trung vào vướng mắc và bất cập của một số quy định trong Thông tư liên tịch số 14 và đề xuất, kiến nghị. Theo báo cáo, Thông tư liên tịch số 14 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Thông tư liên tịch đã bộc lộ những bất cập như: Một số quy định chưa bao quát đầy đủ các nội dung chi; việc dẫn chiếu áp dụng một số nội dung chi đến các văn bản quy định nội dung công việc tương tự còn chưa cụ thể nên khó vận dụng trong quá trình xây dựng định mức dự toán kinh phí của hoạt động; một số nội dung chi chưa có mức chi cụ thể; mức chi của một số hoạt động rất thấp, không còn phù hợp với thực tế nhất, là chi thuê dịch vụ và chi thù lao cho cán bộ làm công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, do ban hành từ năm 2014, nhiều nhiệm vụ mới phát sinh chưa được quy định tại Thông tư liên tịch như: một số nhiệm vụ, giải pháp mới quy định tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư; nhiệm vụ mới của Hội đồng phối hợp PBGDL được giao tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật); việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; một số nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021…

Sau khi các đại biểu tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến, kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với đề nghị của Vụ PBGDPL về việc đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 14 để bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật. Thứ trưởng đề nghị Vụ PBGDPL tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 14, trình Bộ trưởng theo hướng làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất thay thế Thông tư liên tịch 14; nêu cụ thể khó khăn,  bất cập, cụ thể hóa trong phụ lục các nội dung chi, mức chi thấp so với yêu cầu nhiệm vụ trong Thông tư liên tịch, đồng thời thuyết minh cụ thể và dự kiến sửa đổi; xác định nội dung chi và mức chi cho công tác PBGDPL, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được quy định trong Thông tư liên tịch (ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL…), có tham khảo nội dung đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, tương xứng, phù hợp giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật./. 

Trích nguồn: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật