Hai chuyên gia là ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đang trao đổi với độc giả về vấn đề bạo lực học đường
Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng không dễ xử lý và luôn là mối quan tâm của mọi gia đình trong xã hội.
Vào tháng 4/2019, tại Báo Pháp luật Việt Nam, độc giả đã có buổi đối thoại với ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp để cắt nghĩa nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường.
Hôm nay (12/12), Báo Pháp luật Việt Nam kính mời quý vị và các bạn cùng tiếp tục theo dõi buổi trao đổi với 2 chuyên gia của chúng tôi là ông Bùi Văn Linh và ông Phan Hồng Nguyên để đánh giá lại diễn biến của bạo lực học đường sau hơn 1 năm qua, tiếp tục phân tích xem nguyên nhân tại sao khó chấm dứt bạo lực học đường và đâu mới thực sự là giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Các khách mời tại trường quay Báo Pháp luật Việt Nam.
Muôn vẻ nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường
PV: Thưa ông Bùi Văn Linh, mỗi khi đọc một thông tin về hành vi bạo lực xảy ra ngay trong trường học như liên tiếp 2 vụ học sinh đánh bạn ở Thanh Hóa, vụ 1 nam sinh tử vong trong giờ ra chơi vì xô xát với bạn học ở Hà Nam mới đây, là người công tác trong ngành Giáo dục, tâm trạng của ông thế nào? Theo ông, thì căn nguyên của vấn nạn này nằm ở đâu?
Ông Bùi Văn Linh: Tôi cũng là người làm cha làm mẹ, người có con đang theo học trong hệ thống giáo dục của chúng ta, tôi có một cảm xúc đan xen giữa chê trách và lòng thương các em.
Trách vì các em trong một phút nông nổi làm thiệt mạng bạn bè, đôi khi là bạn thân, gây ra nên tội ác, gây ra rất nhiều phiền phức cho thầy cô, bạn bè. Nhưng cũng rất thương các em, còn quá trẻ, do nông nổi, bột phát mà gây hậu quả nghiêm trọng. Với những tôi lỗi đã gây ra có thể đánh mất cả tuổi thanh xuân của mình, mất cơ hội phát triển của bản thân.
Ông Bùi Văn Linh nhận định, với khoảng trên 20 triệu học sinh thì luôn luôn có muôn hình, muôn vẻ các nguyên nhân của bạo lực.
Tôi cho rằng, với khoảng trên 20 triệu học sinh thì luôn luôn có muôn hình, muôn vẻ các nguyên nhân của bạo lực.
Đặc biệt, các em đang trong độ tuổi phát triển tâm lý và thể chất. Đôi khi thể chất phát triển nhanh hơn tâm lý và trí tuệ, điều đó dẫn đến các sự việc mang tính bột phát của các em như chúng ta đã thấy trong một số ngày qua.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh, mạnh của kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ tới cuộc sống của trẻ em. Ảnh hưởng của phim ảnh, trò chơi điện tử, văn hóa du nhập,… cũng có những tác động tiêu cực tới các em.
Vì đâu bạo lực học đường gia tăng ?
PV: Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp và đang trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhà trường và xã hội, xin hỏi ông hãy cho biết hệ thống pháp luật đối với bạo lực học đường hiện nay đã được quy định như thế nào? Về phía Bộ Tư pháp, ông có cho rằng chúng ta cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đủ sức răn re đối với bạo lực học đường không?
Ông Phan Hồng Nguyên: Bạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia, kể cả nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp thế giới ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau.
Bạo lực học đường không chỉ sảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.
Ông Phan Hồng Nguyên cho biết, bạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia
Thực tế là có nhiều vụ việc bạo lực học đường đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau mà trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về môi trường giáo dục an toàn; các hành vi vi phạm pháp luật nói chung; phòng, chống bạo lực học đường nói riêng như:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155).
- Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường….
Qua nghiên cứu một số các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ cho thấy có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục...như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Chính vì vậy, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về phòng, chống bạo lực học đường để bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Có những nhận thức sai về giáo dục vô tình gây ra bạo lực tinh thần
PV: Xin hỏi ông Bùi Văn Linh, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và đây là một trong những trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc triển khai quy định này đạt kết quả và gặp phải những vướng mắc, hạn chế ra sao?
Ông Bùi Văn Linh cho biết, còn có nơi, có chỗ thiếu sự quan tâm của Lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương và sự tham gia phối hợp của các lực lượng xã hội với nhà trường.
Ông Bùi Văn Linh: Trong thời gian vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ngành Giáo dục đã rất quan tâm đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn như: Cơ sở vật chất còn nhiều nơi thiếu thốn, những hạng mục tối thiểu để bảo đàm an toàn cho hs như nhân viên bảo vệ, tường rào bao quanh trường học…còn gặp nhiều khó khăn, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm vừa yếu về nội dung, nguồn lực lại vừa thiếu cả về không gian, thời gian và kinh phí tổ chức; Công tác phòng chống tội phạm, bạo lực học đường gặp không ít khó khăn.
Đặc biệt còn có nơi, có chỗ thiếu sự quan tâm của Lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương và sự tham gia phối hợp của các lực lượng xã hội với nhà trường.
Có những nhà trường nhận thức sai về giáo dục học sinh nên vô tình đã gây ra bạo lực tinh thần đối với các em.
PV: Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, trong các chương trình đó, việc tuyên truyền về phòng tránh bạo lực học đường có được thực hiện không thưa ông?
Ông Phan Hồng Nguyên: Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về PBGDPL nhằm tập trung nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với một số đối tượng, địa bàn, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng.
Từ năm 2003 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình PBGDPL theo từng giai đoạn: Chương trình PBGDPL giai đoạn 2003-2007 (ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003), giai đoạn 2008-2012 (ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008), Chương trình Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (ban hành kèm theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012), Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 (Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017), trong đó có nhóm đối tượng cần tập trung PBGDPL là thanh, thiếu niên.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Đề án PBGDPL cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2009-2012 và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý 2 lần gia hạn từ năm 2013-2016 và 2017-2021; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015” và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn Đề án đến năm 2020. Bộ Tư pháp đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP ngày 16/11/2010 hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Các Chương trình, Đề án trên đã xác định hình thức PBGDPL đa dạng, nội dung PBGDPL tập trung vào những quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến thanh, thiếu niên, trong đó có học sinh, sinh viên.
Thực hiện các Chương trình, Đề án này, Ngành Tư pháp và ngành Giáo dục đã phối hợp phổ biến, giáo dục nhiều nội dung pháp luật như: Phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; về hỗ trợ khởi nghiệp; pháp luật về Internet và an toàn thông tin mạng; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế... (Đề án 1928).
Sẽ triển khai công cụ phòng, chống bạo lực học đường trên toàn quốc
PV: Quan trọng nhất là chúng ta cần có giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Ông Bùi Văn Linh có thể cho biết một số giải pháp của ngành Giáo dục để hạn chế vấn nạn này? Về lâu dài, chúng ta có nên cứng rắn hơn đối với những vi phạm xảy ra trong phạm vi học đường không, thưa ông?
Ông Bùi Văn Linh: Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và ngành Giáo dục đã có không ít các giải pháp từ tổng thể đến chi tiết nhằm hạn chế, đẩu lùi tình trạng bạo lực học đường nói riêng và bạo lực, xâm hại tre em nói chung.
Một số các giải pháp lớn có thể kể tới như: Xây dựng, ban hành thông tư thay thế thông tư 08 quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh phổ thông nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh ngay cả khi phạm lỗi.
Thực hiện tốt công tác tư vẫn tâm lý để bảo đảm việc các em được phát triển toàn diện, lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Triển khai thực hiện đồng bộ công tác xã hội trường học nhằm giúp đỡ nhóm học sinh yếu thế được hòa nhập với bạn bè.
Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm giúp các em giải trí sau giờ học cũng như giúp các em học từ thiên nhiên, học từ thực tế. Tránh gây áp lực từ việc học tập lên học sinh.
Giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc để xảy ra vụ việc bạo lực học đường trong trường học. Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc giải quyết triệt để các vụ việc bạo lực của học sinh.
Trong đầu học kỳ II, chúng tôi sẽ triển khai công cụ phòng, chống bạo lực học đường trên toàn quốc. Trong đó có 2 nội dung chính là thu nhận thông tin về các nguy cơ có thể xảy ra bạo lực học đường để xây dựng Kế hoạch phòng, chống tại nhà trường. Đồng thời cũng có modul ghi nhận, báo cáo vụ việc để minh bạch thông tin về các vụ bạo lực cũng như để các cấp theo dõi, giám sát việc xử lý các vụ việc tránh sai xót.
PV: Được biết trong nhà trường hiện nay có môn Giáo dục công dân, lồng ghép các quy định pháp luật để dạy cho học sinh? Bộ Tư pháp có tham gia thẩm định, hướng dẫn các quy định pháp luật được dạy cho học sinh không thưa ông? Ông đánh giá thế nào về mức độ phù hợp của môn học này?
Ông Phan Hồng Nguyên: Hiện nay việc giảng dạy pháp luật trong trường học được tích hợp trong môn Giáo dục công dân (bao gồm môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Ngày 16/11/2010, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 30 hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong đó có phối hợp biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu, sách giáo khoa về PBGDPL; xây dựng danh mục các thiết bị phục vụ công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, hai ngành còn phối hợp trong công tác PBGDPL ngoài giờ lên lớp.
Theo ông Phan Hồng Nguyên, việc giảng dạy pháp luật trong trường học được tích hợp trong môn Giáo dục công dân và có những hiệu quả tích cực
Trên cơ sở những nhiệm vụ trên, trong thời gian qua, với chức năng là đơn vị tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL, Vụ PBGDPL đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá nội dung, chương trình pháp luật trong các cấp học và trình độ đào tạo; rà soát, biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường. Hằng năm, Bộ Tư pháp còn hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân.
Đối với môn Giáo dục công dân, chúng tôi nhận thấy các quy định về nội dung, thời lượng môn học này hiện nay cơ bản phù hợp với Chương trình học của học sinh, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, môi trường giáo dục; có sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng sống; giữa giáo dục gia đình với nhà trường và xã hội.
Qua đó góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.
Đặc biệt, kể từ năm 2017, môn Giáo dục công dân chính thức được dùng để thi trung học phổ thông quốc gia dưới dạng tổ hợp cùng với hai môn Lịch sử và Địa lý. Đây là một đổi mới tạo ra một bước chuyển không chỉ trong nhận thức dạy và học pháp luật; tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của môn học này đối với sự phát triển toàn diện của học sinh ở các cấp học.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để phát huy hơn nữa hiệu quả của môn học này, cần nghiên cứu biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục pháp luật theo hướng kết hợp một cách hợp lí giữa trang bị kiến thức với hướng dẫn thực hành; nội dung sách giáo khoa phải là nội dung “mở”, có thể kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo của người học và tạo cơ hội cho người dạy linh hoạt vận dụng trong quá trình giảng dạy; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học pháp luật chú trọng sử dụng linh hoạt, hiệu quả các quan điểm dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; xây dựng mô hình kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên; lồng ghép hợp lý nội dung giáo dục pháp luật vào hoạt động của tổ chức đoàn, đội…
Việc đánh giá chất lượng giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở điểm số các bài kiểm tra mà còn phải chủ yếu dựa vào những nhận định, nhận xét cụ thể, thường xuyên dựa trên các biểu hiện về năng nhận thức, thái độ, các hành vi ứng xử trong toàn bộ quá trình các hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh tại nhà trường, gia đình và cộng đồng; qua đó góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường hiện nay trong nhà trường…
PV: Cũng có quan điểm cho rằng, việc kỷ luật học sinh có hành vi bạo lực cần làm sao để đạt được hiệu quả mong muốn, để các em nhận thức được hành vi sai trái của mình, không tái phạm nhưng vẫn tạo cơ hội cho các em sửa sai? Ông Bùi Văn Linh có đồng ý với quan điểm này không?
Ông Bùi Văn Linh: Việc kỷ luật học sinh không chỉ học sinh có hành vi bạo lực mà tất cả các hành vi vi phạm khác đề mang tính giáo dục, luôn luôn mong muốn các em nhận ra những sai trái để sửa chữa và trở thành người công dân tốt trong tương lai.
Trong cuộc đời bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm có thể do chủ quan hoặc khách quan đem đến. Tuy nhiên, qua những sai lầm đó mỗi con người lớn lên, chín chắn hơn nếu được thầy cô, bạn bè, gia đình, xã hội giáo dục và bản thân nhận thức được tính đúng sai trong hành động của mình.
Không những tôi mà toàn thể chúng ta luôn đồng ý với việc uốn nắm, chăm sóc cho con trẻ trong sự nghiệp trồng người.
Mở thêm nhiều sân chơi thu hút học sinh tránh xa bạo lực
PV: Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các em học sinh đều tiếp xúc rất sớm với Internet, nên việc tiếp xúc với các thông tin độc hại, bạo lực… trên mạng gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Vậy xin hãy cho biết Bộ Tư pháp có ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên không? Mức độ hiệu quả của nó đến đâu?
Ông Phan Hồng Nguyên: Có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay không thể không kể đến đó là do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực, những hình ảnh này được phát tán công khai trên môi trường Internet đặc biệt là trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của các em.
Vì vậy, để góp phần khắc phục tình trạng bạo lực học đường hiện nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức rất nhiều sân chơi bổ ích để giúp các em học sinh có cơ hội được tiếp xúc với các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao ý thức, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi vi pháp pháp luật liên quan đến bạo lực học đường nói riêng. Tận dụng ưu thế của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và PBGDPL cho học sinh, sinh viên nói riêng, Bộ Tư pháp đã thực hiện PBGDPL trên Trang thông tin PBGDPL, trên các trang mạng xã hội như zalo,facebook bằng các hình thức như: đăng tải các quy định pháp luật, xây dựng các câu chuyện, tiểu phẩm pháp luật, các tình huống pháp luật, tờ gấp, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Đặc biệt, năm 2019, 2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, công ty Egroup và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” cho học sinh trung học phổ thông, học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút 320.000 lượt thí sinh tham gia; Cuộc thi “Pháp luật cho mọi người” thu hút 856.000 lượt người tham dự. Các cuộc thi trực tuyến này đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh; là sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em học sinh, sinh viên không chỉ được củng cố các kiến thức pháp luật được học trong chương trình giáo dục phổ thông mà còn có điều kiện tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật ở nhiều lĩnh vực gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, học tập thường ngày của các em. Qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi tin rằng, mô hình này sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng và sức lan tỏa sâu rộng trong học đường, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu các hành vi lệch chuẩn trong xã hội.
PV: Đề nghị ông cho biết, dưới góc độ là đơn vị giúp Bộ Tư pháp quản lý nhà nước PBGDPL, đề nghị ông cho biết cần thực hiện giải pháp gì để hạn chế bạo lực học đường trong thời gian tới?
Ông Phan Hồng Nguyên: Điều 6 Luật PBGDPL năm 2012 quy định về quản lý nhà nước về PBGDPL, trong đó giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL.
Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư đã xác định các chủ trương, định hướng làm tiền đề cho công tác PBGDPL thời gian tới, trong đó, Kết luận số 80-KL/TW yêu cầu cần: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW đã cụ thể hóa chủ trương trong Kết luận số 80-KL/TW theo hướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương hướng dẫn nội dung PBGDPL trên cơ sở bám sát và đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể; hướng dẫn sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các hình thức, cách thức PBGDPL; nghiên cứu cơ chế, mô hình cụ thể tạo điều kiện cho người dân chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Tăng cường phối hợp, kết nối chia sẻ thông tin pháp luật trên môi trường mạng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, theo tôi, để góp phần hạn chế bạo lực học đường trong thời gian tới, trong thời gian tới Bộ Tư pháp cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
(i) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL năm 2012. Trên cơ sở kết quả tổng kết và bối cảnh, yêu cầu thực tiễn của công tác PBGDPL, rà soát các quy định Luật PBGDPL năm 2012, các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Chú trọng sửa đổi, bổ sung quy định về PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế, trong đó có PBGDPL về phòng, chống bạo lực học đường.
(ii) Tham mưu Bộ Tư pháp và Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tập trung PBGDPL về phòng, chống bạo lực học đường như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường….
(iii) Phối hợp với các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo Đề cương, tài liệu giới thiệu nội dung của văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật Trung ương, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
(iv) Tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, tổ chức liên quan trong PBGDPL về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức một số hoạt động PBGDPL về phòng, chống bạo lực học đường với góc độ làm mẫu như: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức diễn đàn, tọa đàm trực tiếp, trực tuyến hoặc trên sóng phát thanh, truyền hình…, nhất là khi phát sinh bức xúc trong xã hội về vấn đề này.
(v) Hiện nay, công nghệ thông tin, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu, bối cảnh này, công tác PBGDPL nói chung, PBGDPL về phòng, chống bạo lực học đường cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Trong thời gian tới, chúng tôi đã, đang thực hiện và nghiên cứu, xây dựng ứng dụng PBGDPL trên các thiết bị di động có kết nối internet tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tự tìm hiểu, học tập pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng dữ liệu câu hỏi và trả lời về pháp luật phòng, chống bạo lực học đường liên quan đến lĩnh vực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương đó và tích hợp chung vào cơ sở dữ liệu chung của cả nước do Bộ Tư pháp quản lý để chia sẻ, dùng chung, phục vụ việc tìm hiểu pháp luật của người dân.
Các câu hỏi được xây dựng trên cơ sở các tình huống thực tiễn và sẽ là nguồn “tài nguyên” quý giá để phục vụ hoạt động của ứng dụng PBGDPL PBGDPL trên thiết bị di động có kết nối internet. Để thực hiện nhiệm vụ này các bộ, ngành, địa phương cần phải phối hợp, đồng hành chia sẻ dữ liệu, phát triển tài nguyên dữ liệu trong công tác PBGDPL.
Ông Bùi Văn Linh và ông Phan Hồng Nguyên phân tích nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng bạo lực học đường cũng như những giải pháp kiềm chế tình trạng này
PV: Xin cảm ơn ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi rất hữu ích về nguyên nhân cũng như những giải pháp để có thể tiếp tục kiềm chế tình trạng bạo lực học đường.
Nguồn: baophapluat.vn