Xác định tủ sách pháp luật (TSPL) là một kênh thông tin quan trọng góp phần đưa pháp luật về cơ sở; là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, những năm qua Sở Tư pháp tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng hệ thống TSPL tại các xã, phường, thị trấn. Việc trang bị TSPL đã góp phần giúp cán bộ công chức và người dân tiếp cận pháp luật thuận lợi hơn.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 143 TSPL của 143 xã, phường, thị trấn và 172 TSPL của các đơn vị lực lượng vũ trang hiện đang duy trì hoạt động theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối
hợp PBGDPL tỉnh đã trang bị 197 đầu sách với 8.824 cuốn sách pháp luật cho TSPL của 143 xã, phường, thị trấn và TSPL của các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã vùng bãi ngang ven biển, TSPL của lực lượng vũ trang. UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng bố trí kinh phí trang bị thêm các đầu sách, văn bản pháp luật mới phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Các TSPL hiện nay đều đã xây dựng Quy chế quản lý, khai thác theo quy định. Đối tượng phục vụ của TSPL cấp xã khá đa dạng như: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật. Việc khai thác TSPL được thực hiện bằng 02 hình thức đọc tại chỗ và mượn về đọc.
Hoạt động của các TSPL đóng vai trò quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, là một kênh thông tin chính thống để truyền tải, trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, là một công cụ hữu ích hỗ trợ trong việc tìm hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý điều hành của Nhà nước cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân.
Công tác xây dựng, quản lý, khai thác TSPL được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc quản lý, khai thác TSPL đi vào nề nếp, hiệu quả, số đầu sách pháp luật được bổ sung hàng năm, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ,Nhân dân trên địa bàn.
Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của TSPL đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay; tuy nhiên, để TSPL thực sự phát huy lợi ích thiết thực, công tác quản lý, khai thác cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. Theo đánh giá thì công tác xây dựng, quản lý, khai thác TSPL trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế đó là: các TSPL của các xã, thị trấn chủ yếu đặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã phục vụ trong giờ hành chính, phục vụ nhu cầu tìm đọc, tra cứu nhanh của cán bộ, người dân đến thực hiện thủ tục hành chính nên số lượng người đọc, tra cứu hạn chế, chưa khai thác hết giá trị của tủ sách.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các thông tin pháp luật trên mạng Internet phong phú, đầy đủ, dễ tra cứu, tìm hiểu, do đó cán bộ, người dân có xu hướng ít khai thác TSPL truyền thống. Kinh phí bổ sung sách, tài liệu cho mô hình TSPL truyền thống phần nào bị hạn chế; nhân lực phụ trách TSPL hiện nay chủ yếu là cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, cán bộ văn phòng các cơ quan cùng lúc kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý, khai thác TSPL.
Mặt khác, số lượng văn bản quy phạm pháp luật quá nhiều, thường xuyên có sự thay đổi nên việc cập nhật, bổ sung kịp thời văn bản mới cho TSPL gặp nhiều khó khăn. Số lượng đầu sách hiện nay tại các TSPL chưa phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu của số đông người đọc. Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn về kinh phí cũng ảnh hưởng lớn đến việc cập nhật, bổ sung đầu sách và các văn bản, tài liệu mới cho TSPL…
Thực tế cho thấy, TSPL là mô hình thiết thực giúp cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật chính thống, chính xác đến người dân; giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân tiếp cận các chính sách, quy định của pháp luật thuận tiện, tiết kiệm, hệ thống; giúp người đọc nắm bắt quy định mới, quy định đã bị thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Mô hình TSPL là kênh thông tin pháp luật quan trọng đối với người dân ở cơ sở, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật.
Để việc quản lý, khai thác TSPL thực sự phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của cán bộ các cấp, ngành chức năng, trước hết cần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò, sự cần thiết phải duy trì mô hình này. Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức lưu trữ, quản lý, khai thác theo hướng phù hợp với xu thế phát triển. Đồng thời, có cách thức tuyên truyền, định hướng người dân phù hợp.
Việc lựa chọn các đầu sách để bổ sung cho TSPL cũng cần lưu tâm. Bên cạnh những văn bản luật cơ bản, ưu tiên bổ sung những đầu sách tập trung vào hỏi đáp pháp luật, giải đáp các trường hợp vướng mắc cụ thể, thiết thực, dễ tiếp cận, tiếp nhận. Tiếp tục duy trì xây dựng, quản lý, khai thác TSPL theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg. Đối với những địa phương đã thực hiện sáp nhập TSPL thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của thư viện hoặc điểm Bưu điện văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc quản lý, khai thác bộ phận sách, tài liệu pháp luật đảm bảo mang lại hiệu quả cao hơn.
Phương Thảo