Trong niềm tiếc thương vô hạn khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi mãi mãi, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã chia sẻ với phóng viên Báo Ninh Bình về những tình cảm và kỷ niệm sâu sắc của mình với Tổng Bí thư, đặc biệt là những tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bức ảnh phong cảnh Tràng An nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư tại Ninh Bình năm 2014. Ảnh tư liệu: Thế Minh
Phóng viên (PV): Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn vẹn sự quan tâm cho đồng bào cả nước nói chung, Nhân dân Ninh Bình nói riêng. Đặc biệt, Tổng Bí thư đã nhiều lần về thăm, làm việc với Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Ninh Bình và đã có những chỉ đạo, gợi mở, định hướng rất quan trọng để tỉnh Ninh Bình khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh riêng có và vươn lên mạnh mẽ. Là một trong những người có thời gian dài lãnh đạo, chỉ đạo trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, xin đồng chí chia sẻ về những kết quả mà Ninh Bình đã thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Tôi rất may mắn và hạnh phúc trong quá trình công tác ở Ninh Bình cũng như khi công tác ở Trung ương đã luôn được gần gũi, được làm việc, được nghiên cứu và thực hiện những chỉ đạo, những tổng kết lý luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở rất nhiều lĩnh vực. Và có thể nói, Tổng Bí thư luôn dành cho Đảng bộ, Nhân dân Ninh Bình những tình cảm rất đặc biệt, bởi theo Tổng Bí thư: Không có Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình thì làm sao có Thăng Long-Hà Nội! Vì hiểu rõ Ninh Bình và có tình cảm đặc biệt với Ninh Bình nên những chỉ đạo, định hướng của đồng chí với Ninh Bình cũng rất sâu sắc, toàn diện, sát thực tiễn, thể hiện rõ tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn. Tổng Bí thư đã luôn chỉ đạo, đồng hành, động viên, cổ vũ kịp thời, dõi theo sự phát triển của tỉnh.
Về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư luôn căn dặn: Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn giữ vững nguyên tắc, giữ vững kỷ luật, phát huy dân chủ, phải đoàn kết, đặc biệt người đứng đầu phải luôn tiền phong gương mẫu, lan tỏa tinh thần gương mẫu, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ ra các cấp, các ngành để chăm lo cho sự phát triển của tỉnh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Trong phát triển kinh tế, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ninh Bình phải phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Nông nghiệp và công nghiệp phải sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao thân thiện với môi trường, đồng thời coi trọng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện và vững chắc.
Là người sâu sát cơ sở, mỗi lần về làm việc với tỉnh, Tổng Bí thư thường dành nhiều thời gian đến thăm các khu di tích lịch sử, văn hóa như: Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An; chùa Bái Đính… và luôn gợi mở rất nhiều định hướng phát triển cho Ninh Bình. Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh: "Văn hóa còn là dân tộc còn", với điều kiện đặc thù riêng, Ninh Bình là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, gắn liền với đó là bề dày về lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm. Ninh Bình có Cố đô Hoa Lư-nơi ghi dấu ấn về lịch sử của dân tộc, chiều sâu về văn hóa và một phần hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cố đô nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phong phú, đa dạng và hết sức có giá trị của đất nước mà Ninh Bình đang vinh dự lãnh trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ.
Lời căn dặn đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là động lực, quyết tâm cho tỉnh Ninh Bình trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Cũng từ sự thấu hiểu về Ninh Bình và sự quan tâm đặc biệt dành cho Ninh Bình, Tổng Bí thư đã luôn quan tâm chỉ đạo đến lĩnh vực đặc thù của tỉnh-nơi được xem là "Kinh đô Công giáo của Việt Nam". Tổng Bí thư đã về thăm, nói chuyện với các chức sắc của Tòa Giám mục Phát Diệm và đồng bào có đạo ở huyện Kim Sơn; thăm xã miền núi Gia Sinh (Gia Viễn). Tại các buổi làm việc, Bác luôn căn dặn: Phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, chăm lo cuộc sống đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh".
Tôi còn nhớ, cách đây 3 năm, nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), tôi có dịp cùng Đoàn đại biểu lãnh đạo của Quốc hội sang thăm Bác. Cả buổi nói chuyện hôm đó, Bác dành phần lớn nói về sự phát triển của Ninh Bình. Bác nói vui: "Hôm vừa rồi, bác được các bạn gửi cho xem một video về lần trò chuyện với bà con xã Gia Sinh (Gia Viễn). Mới đó mà thấm thoát gần 10 năm, Gia Sinh-Bái Đính-Ninh Bình nay đã có bước phát triển vượt trội, đúng như những gì mà Bác đã kỳ vọng, tin tưởng như lần nói chuyện với bà con ngày ấy, thật đáng mừng". Dẫn dắt câu chuyện này để thấy rằng, Bác lúc nào cũng dành những tình cảm rất đặc biệt cho Ninh Bình, luôn sát sao và dõi theo sự phát triển của tỉnh.
Với tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn, những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư là "kim chỉ nam" để nhiều nhiệm kỳ qua, Ninh Bình nỗ lực triển khai và hành động. Đến nay, Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống Nhân dân hạnh phúc, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa, di sản, đúng như lời chỉ huấn của đồng chí Tổng Bí thư: Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ giá trị lịch sử, từ cảnh quan thiên nhiên... Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình có quyền tự hào là đã thấm nhuần và thực hiện xuất sắc những chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thành quả của Ninh Bình hôm nay mang đậm dấu ấn rất sâu sắc sự chỉ đạo và tình cảm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình, đó cũng là món quà thể hiện lòng biết ơn, tri ân và dâng lên Bác khi Bác yên nghỉ.
PV: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trong những người từng nhiều lần được gặp gỡ, làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí có thể chia sẻ những tình cảm, những kỷ niệm đặc biệt sâu sắc của mình với Tổng Bí thư?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Từ khi còn làm lãnh đạo ở địa phương, tôi đã nhiều lần được làm việc và nhận sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2021, tôi nhận nhiệm vụ trong vai trò là Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nay là Phó Chủ tịch Quốc hội, tôi hạnh phúc hơn vì có thời gian thường xuyên được gặp báo cáo xin ý kiến Bác, hoặc trong những kỳ họp Quốc hội, được thường xuyên gặp Bác ở Hội trường Quốc hội, những kỷ niệm và những tình cảm về Bác luôn sâu đậm trong tôi.
Với cá nhân tôi, Bác không chỉ là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng mà Bác còn như người cha thứ hai của mình vậy. Bác đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều điều trong các công tác, nhiệm vụ của bản thân với tập thể và với Nhân dân. Còn nhớ, năm 2013, khi tôi được Bộ Chính trị quyết định phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, nhiệm kỳ 2010-2015 (vào thời điểm đó tôi là một trong 2 nữ Bí thư Tỉnh ủy của cả nước). Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đã lên Thủ đô gặp Bác để báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây là lần đầu tôi được trực tiếp gặp Bác để báo cáo tình hình với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, vì vậy tâm trạng không tránh khỏi những lo lắng. Nhưng khi gặp, Bác chưa hỏi ngay về công việc mà hỏi thăm về gia đình, cha mẹ, chồng con… Khi biết được hoàn cảnh của gia đình, Bác ôn tồn chỉ bảo: "Như vậy là Thanh nhận nhiệm vụ trong điều kiện hoàn cảnh gia đình rất vất vả, lại còn trẻ và là phụ nữ nữa. Vì vậy, phải cố gắng, dựa vào tập thể để gánh vác công việc, phải phát huy trí tuệ của tập thể. Và dù công việc đến đâu cũng phải quan tâm đến con cái vì mình là phụ nữ". Những lời thăm hỏi, động viên ân cần của Bác không những giúp tôi giải tỏa những lo lắng mà còn cảm nhận rõ tình cảm, sự quan tâm, được động viên, khích lệ, cổ vũ từ Bác-người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tôi đã tự tin báo cáo công việc với Bác một cách cụ thể, rõ ràng. Những lần sau này, khi gặp, Bác vẫn dành thời gian để hỏi thăm về gia đình tôi, Bác vẫn thường gọi tôi bằng cái tên trìu mến "gái Cố đô"… Chính sự động viên, chia sẻ ân cần của Bác như một người cha, là chỗ dựa tinh thần lớn lao với cá nhân tôi trong mỗi chặng đường công tác.
Một kỷ niệm khác đáng nhớ nữa, đó là vào năm 2018, khi Bác về Ninh Bình tham dự Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018). Hôm đó, Nhân dân, du khách thập phương đến tham dự rất đông, vì vậy đã xảy ra tắc đường, khiến cho Bác và Đoàn công tác của Trung ương đến 1giờ sáng hôm sau mới về đến Hà Nội. Điều này khiến tôi luôn cảm thấy áy náy với Bác trong suốt thời gian dài. Sau này, khi tôi đặt được lịch làm việc với Bác, việc đầu tiên tôi nhận lỗi với Bác là đã chỉ đạo phân luồng giao thông trong tổ chức lễ hội chưa được khoa học, Bác bảo: Bác không sao cả, bác rất vui, bởi vì Nhân dân tin mình mới đến với mình đông như thế!
Trong những ngày cuối cùng trước khi Bác mất, được sự phân công của Bộ Chính trị, tôi được trực tiếp ở bên Bác, cùng với các bác sĩ, gia đình chăm lo cho Bác đến khi Bác về với tiên tổ và các bậc tiền nhân thì những kỷ niệm của tôi với Bác-người cha thứ hai của mình lại ùa về trong tâm trí. Đó là hình ảnh và tình cảm của Tổng Bí thư yêu kính nhân hậu, giản dị, chân thành, gần gũi cứ hiện lên rạng ngời, tôi nghe tim mình buốt nhói, tôi không nén được cảm xúc và đã khóc rất to trong khán phòng khi Bác trút hơi thở cuối cùng.
Trong mấy ngày nay, bên cạnh công việc, tôi dành nhiều thời gian để đọc những chia sẻ tình cảm của Nhân dân trên cả nước, của kiều bào ta ở nước ngoài, của bạn bè quốc tế về Tổng Bí thư; được đọc những tư liệu về cuộc đời của Bác từ thời niên thiếu đến khi nhắm mắt xuôi tay…, tôi càng thấm thía và thấy hết những tư chất rất đặc biệt, sự cống hiến và cuộc đời của Bác-người đã sống trọn một đời vì Đảng, vì Nước, vì Dân. Nhân cách ấy, con người ấy sẽ mãi sống trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, đúng như ai đó đã nói về Bác: Như một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt…
PV: Trong niềm tiếc thương vô hạn khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi về với thế giới người hiền, Tổng Bí thư đã để lại cho Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta nhiều di sản, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ninh Bình cần làm gì để cùng với cả nước phát huy di sản của Tổng Bí thư?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024, một trái tim lớn của dân tộc Việt Nam đã ngừng đập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi mãi mãi, để lại sự hẫng hụt, mất mát, thương tiếc khôn nguôi trong triệu triệu người dân Việt Nam. Trong sự mất mát vô cùng to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình dành cho Bác tình cảm rất đặc biệt.
Với tinh thần biến đau thương thành hành động, những tình cảm chân thành nhất phải là những hành động thiết thực nhất, vì vậy cần tiếp tục thực hiện những chỉ đạo để cùng cả nước hiện thực hóa những tâm huyết mà Tổng Bí thư luôn đau đáu, viết tiếp những dự định, hoài bão của Bác còn đang dang dở. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện có hiệu quả hơn nữa những chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư. Phải luôn đặt sự quan tâm đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; luôn giữ gìn sự đoàn kết, phát huy sức mạnh đoàn kết từ trong Đảng ra Nhân dân, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong mọi hoàn cảnh. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng; noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: yêu nước, trung thành với Đảng, với Nhân dân, với Tổ quốc, với dân tộc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Trong thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, phát huy những thành quả và những giá trị lý luận và thực tiễn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-nhà lãnh đạo đã thấm nhuần và thực hiện xuất sắc những di huấn, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục thực hiện phương châm phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy những lợi thế của Ninh Bình mà những lần Tổng Bí thư về thăm đã trực tiếp chỉ đạo, đó là phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó phát triển kinh tế nông thôn sinh thái; phát triển du lịch văn hóa trên cơ sở lợi thế là một vùng đất ken dầy những di tích lịch sử và cũng là một phần hồn cốt Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, đưa Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn, một nơi đáng sống mà ở đó đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện, ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với vùng đất địa linh nhân kiệt như lời Tổng Bí thư đã nhiều lần nói: Không có Cố đô Hoa Lư, làm sao có Thăng Long-Hà Nội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!
Trích nguồn: https://baoninhbinh.org.vn