TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 05/11/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật

Thứ tư, 02/10/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong khuôn khổ Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (được phê duyệt tại Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ), vào sáng ngày 30/9/2024 tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người khuyết tật kết hợp với trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác PBGDPL cho người khuyết tật. Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho người khuyết tật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho người khuyết tật. Đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp và ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị gồm 60 đại biểu là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Lãnh đạo Hội Người Khuyết tật một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực miền Bắc (từ Thanh Hóa trở ra), các đại biểu là Lãnh đạo Hội Người khuyết tật các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh công tác PBGDPL có vai trò, vị trí quan trọng, là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật và là một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật năm 2006. Thể chế, chính sách liên quan đến người khuyết tật đã được ban hành như Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật PBGDPL năm 2012 (trong đó quy định 01 điều riêng về PBGDPL cho người khuyết tật); Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật năm 2010. Bên cạnh đó, Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Giao thông vận tải… ban hành nhiều Thông tư để hướng dẫn các vấn đề liên quan đến người khuyết tật. Đặc biệt, ngày 08/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030.

Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người khuyết tật, với chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” đã xác định người khuyết tật là một trong những đối tượng đặc thù cần quan tâm PBGDPL, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật. Đề án đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu Nhận thức, trách nhiệm và thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng cao”. Trong đó, Đề án đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL cho hội viên, thành viên của tổ chức mình. Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Liên hiệp hội về người khuyết tật tổ chức Hội nghị tập huấn về kỹ năng PBGDPL cho người khuyết tật. Hội nghị cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm hiệu quả và đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho người khuyết tật trong thời gian tới.
Theo ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 7 triệu người khuyết tật (chiếm hơn 7% dân số cả nước), trong đó gần 80% người khuyết tật sống tại vùng nông thôn, vùng núi. Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các vấn đề như giáo dục, việc làm, y tế, giao thông, các công trình xây dựng..., đặc biệt là việc tiếp cận thông tin pháp luật, PBGDPL...

Tại Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đã trình bày chuyên đề về công tác PBGDPL cho người khuyết tật, trong đó tập trung giới thiệu các yêu cầu của công tác PBGDPL nói chung, công tác PBGDPL nói riêng; các văn bản của Đảng, Nhà nước về PBGDPL và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan về công tác PBGDPL. Đồng chí Phan Hồng Nguyên giới thiệu một số quy định của pháp luật về PBGDPL cho người khuyết tật tại Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật PBGDPL năm 2012, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL; những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện PBGDPL cho người khuyết tật như lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật....

Các tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung vào việc đánh giá nhu cầu về thông tin pháp luật của người khuyết tật và mức độ đáp ứng hiện nay, thực trạng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho người khuyết tật, về công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho hội viên Hội người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện…, từ đó đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho người khuyết tật và cho cộng đồng trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp khẳng định, công tác PBGDPL nói chung, công tác PBGDPL cho người khuyết tật nói riêng được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các tổ chức Hội người khuyết tật ở cấp tỉnh cần chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia cấp tỉnh trong triển khai công tác thông tin, PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên của tổ chức mình. Việc triển khai công tác PBGDPL không chỉ được thực hiện đối với bản thân người khuyết tật mà cần chú trọng đến các đối tượng liên quan ở cộng đồng, cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng chí cũng đề nghị, trong thời gian tới Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ, hoạt động góp phần nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người khuyết tật./.

Trích nguồn:https://pbgdpl.moj.gov.vn