TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 05/11/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV: Thảo luận một số dự án Luật

Thứ tư, 23/10/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, các đại biểu tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Nhị Hà phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Nhị Hà phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Sau Kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8. Đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, có 11 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu. Không khí thảo luận dân chủ, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trách nhiệm, sâu sắc về các nội dung của dự thảo Luật trên tinh thần xây dựng, làm cơ sở để Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và hình thức. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (Điều 7 và Điều 8 sửa đổi); về kinh doanh chuỗi nhà thuốc (khoản 48 Điều 2 sửa đổi; Điều 17a bổ sung; các Điều 31, 32, 33, 36, 37 và 38 sửa đổi; Điều 47a bổ sung); về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược (các Điều 43, 44 và 46 sửa đổi), cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 53a bổ sung); về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Điều 55 và Điều 56 sửa đổi); về quản lý giá thuốc (các Điều 107, 109, 110, 112 và 113 sửa đổi; khoản 48 Điều 1 bãi bỏ Điều 114)…

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Trích nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/