TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ bảy, 27/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”

Thứ ba, 04/10/2022

Ngày 22/9/2022, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, thay mặt hội đồng, ký thay chủ tịch đã ký ban hành văn bản số 3550/HĐPH, V/v triển khai thực hiện Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Để đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện tốt 5 nội dung sau:

1. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; bố trí nguồn lực và các điều kiện bảo đảm, cần thiết khác để tiếp tục thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL đồng thời với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án.

2. Đối với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Đề án; phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương là đại diện lãnh đạo của bộ, ngành; Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án; chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị.

- Căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn để xây dựng tiêu chí riêng và tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.

- Báo cáo kết quả thực hiện Đề án hàng năm gửi về Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (qua Vụ PBGDPL và được tổng hợp trong Báo cáo công tác tư pháp hàng năm) theo thời hạn quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương.

3. Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và yêu cầu thực tiễn, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm; xây dựng và ban hành tiêu chí chung và phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm trong việc xây dựng các tiêu chí riêng trong Khung tiêu chí.

4. Đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương sửa đổi, bổi sung/thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, trong đó quy định nội dung chi, mức chi phù hợp với thực tế phục vụ hoạt động thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.

5. Đề nghị thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương là đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động PBGDPL; thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương là đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư cho công tác PBGDPL, trong đó có nhiệm vụ đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo phân công tại Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương năm 2022 (ban hành theo Quyết định số 04/QĐ-HĐPH ngày 12/01/2022 của Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương).

Kim ngân