TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ bảy, 27/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Thứ tư, 22/12/2021

Sáng 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến.  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ được giao; chung tay cùng hệ thống chính trị giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước, bảo đảm quốc phòng, anh ninh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điểm nổi bật trong năm là Bộ, ngành Tư pháp đã tập tập trung nguồn lực kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh. Cụ thể, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 luật, 05 nghị quyết và cho ý kiến đối với 05 dự án luật khác; đang gấp rút chuẩn bị 04 nội dung trình Quốc hội kháo XV tại kỳ họp bất thường; trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngành tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 12.366 văn bản quy phạm pháp luật; tập trung rà soát được 29.955 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.581 văn bản. Các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với hơn 45.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được nâng cao...Mặt hạn chế của ngành tư pháp đó là tình trạng chậm ban hành văn bản tuy có bước khắc phục nhưng đến nay số văn bản chậm ban hành vẫn còn, chất lượng một số VBQPPL của một số bộ, ngành, địa phương còn thấp; một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng, ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật…

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm triển khai một số lĩnh vực công tác tư pháp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; chuyên về việc tham mưu, đề xuất của cơ quan tư pháp đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời trao đổi, tham luận làm rõ những kết quả đã làm được của ngành tư pháp tại các địa phương, những khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp triển khai nhiệm vụ của ngành trong năm 2022.

Nhận dịp này, nhiều tập thể và cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành trong năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực vượt khó cũng như những kết quả tích cực của ngành tư pháp trong triển khai niệm vụ trong năm 2021. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022 dự báo là năm còn nhiều khó khăn, thách thức, là năm bản lề thúc đẩy thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Do đó, Bộ, ngành tư pháp cần sẵn sàng chuẩn bị tâm thế tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2022, trong đó, cần nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, giải quyết được những vấn đề vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể; bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành; tăng cường tiến độ thi hành án dân sự; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trong toàn ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng trên cơ sở những thành tích đã đạt được trong năm 2021, ngành tư pháp sẽ tiếp tục phát huy và đạt được những kết quả cao hơn nữa trong năm 2022.

Trích nguồn: https://www.ninhbinh.gov.vn/