TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 26/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình khảo sát, hợp tác phát triển du lịch tại Quảng Nam

Thứ tư, 13/04/2022

Sáng 12/4, Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình do đồng chí Trần Song Tùng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, học tập kinh nghiệm và hợp tác phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam.

Cùng đi có đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố và Hiệp hội Du lịch tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Văn Tân, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo thành phố Tam Kỳ, Hội An, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng nghe giới thiệu tổng quan chung về những tiềm năng và tình hình phát triển du lịch của 2 tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình.

 Theo đó, Quảng Nam là vùng đất nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam, là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời. Nổi bật là 2 di sản thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền Tháp Mỹ Sơn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và nghệ thuật Bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được Unesco công nhận.

Năm 2022, nghề trồng rau Trà quế được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với lợi thế về nhiều mặt, Quảng Nam rất có tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch nông nghiệp, du lịch làng quê, du lịch trải nghiệm, du lịch biển, du lịch ẩm thực hay du lịch gắn với đa dạng sinh học…

Năm 2019, Quảng Nam đón được 7,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4,7 triệu lượt. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động để kích cầu, phục hồi. Đặc biệt là đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” với 212 sự kiện, hoạt động. Trong đó có 10 hoạt động tầm quốc gia. Đây sẽ là cú hích cho du lịch khôi phục trở lại một cách hiệu quả và bền vững trong tình hình mới.

Đối với Ninh Bình, đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ninh Bình còn có địa hình đa dạng, mang đầy đủ sắc thái của một nước Việt Nam thu nhỏ, với trên 1.800 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, nhiều danh thắng tuyệt mỹ, hấp dẫn như: Quần thể Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, đánh dấu những sự kiện trọng đại của dân tộc như: khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm…

Đây là những tiềm năng, lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, du lịch Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ: Lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành Du lịch ngày càng tăng. Đặc biệt, từ khi Quần thể Danh thắng Tràng An được công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo điểm nhấn quan trọng đưa Tràng An - Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, cùng với Hội An - Quảng Nam nằm trong 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yêu thích nhất.

Năm 2019 lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt 7,65 triệu lượt người, tổng doanh thu du lịch đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với năm 2010. Đến năm 2030, Ninh Bình phấn đấu đưa du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng điểm đến “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi một số vấn đề liên quan đến cách thức quản lý du lịch, bảo tồn đi đôi với bảo vệ di sản, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm đa dạng để gia tăng số ngày lưu trú của khách. Đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp có năng lực trong phát triển du lịch, kinh nghiệm hợp tác công tư trong bảo tồn và khai thác giá trị của di sản, xây dựng môi trường du lịch văn minh, hiện đại, phát triển du lịch cộng đồng ở Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn làm sống lại giá trị của di sản trong đời sống…

Đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cảm ơn sự đón tiếp trọng tình, trách nhiệm của tỉnh Quảng Nam, chúc tình đoàn kết giữa 2 tỉnh ngày càng phát triển. Ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và thiện chí của các ban, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Nam về cách thức xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch cũng như khơi dậy được niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển du lịch một cách bền vững. Đồng chí tin tưởng những thành quả mà tỉnh Quảng Nam đạt được trong phát triển du lịch sẽ là bài học, kinh nghiệm hay để Ninh Bình vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Buổi làm việc hôm nay sẽ tạo tiền đề, đặt cơ sở cho sự phát triển hợp tác trong tương lai của 2 tỉnh Ninh Bình – Quảng Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành kinh tế xanh giàu tiềm năng.

Lãnh đạo Sở Du lịch 2 tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch

Tại buổi làm việc, Sở Du lịch 2 tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa hai địa phương.

Sau buổi làm việc, Đoàn đã đi khảo sát thực tế một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng tiêu biểu hút khách của tỉnh Quảng Nam như: làng rau trà quế, phố cổ Hội An.

Trước đó, trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình đã khảo sát một số sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Huế như: biểu diễn nhã nhạc cung đình, tham quan Đại Nội thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, du thuyền Hoàng cung trên sông Hương… Trên cơ sở đó, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển các loại hình du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái để phát triển bền vững ngành Du lịch trong thời gian tới.

Trích Nguồn: https://www.ninhbinh.gov.vn