TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Chủ nhật, 28/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Tập trung nguồn lực để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Thứ sáu, 19/05/2023

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Tọa đàm do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì với sự tham dự của đại diện các bộ, cơ quan có liên quan và đại diện các đơn vị thuộc Bộ.

 

 

 

 

 

 

Hoàn thành kết nối 58 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử và ngày càng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo đó, tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023, Chính phủ yêu cầu tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt mục tiêu 40%.
Để hoàn thành yêu cầu trên, Lãnh đạo Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp và có nhiều văn bản quán triệt, triển khai, đôn đốc đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, tại buổi làm việc với các đơn vị về tình hình thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo “...tập trung nguồn lực để tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022”.

 


Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Tuấn Phong trình bày báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp

Đồng chí cho biết thêm, hiện nay, tại Bộ Tư pháp có 69 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: thường xuyên rà soát, thực hiện tái cấu trúc quy định, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật; tổ chức nhiều cuộc làm việc để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến tháng 02/2023, Bộ Tư pháp đã hoàn thành kết nối 58 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 20 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỷ lệ 34,5%) và 38 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến, không để phát sinh hồ sơ quá hạn, nổi bật là lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm. Cụ thể, trong năm 2022, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tiếp nhận và giải quyết 1.183.976 Phiếu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để THADS và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông; tỷ lệ phiếu trực tuyến chiếm khoảng 81%. Trong Quý I năm 2023, Cục đã tiếp nhận và giải quyết 267.360 Phiếu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để THADS và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông; tỷ lệ Phiếu trực tuyến chiếm khoảng 84%.
Chủ động, sáng tạo, đề xuất các giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp đã nêu một số vướng mắc trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực bổ trợ tư pháp như một số TTHC không phát sinh hồ sơ cả trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính do người dân chưa có nhu cầu sử dụng; một số tờ đơn, tờ khai cần có chữ ký xác nhận người đề nghị thực hiện TTHC; một số thủ tục yêu cầu người dân nộp lại bản gốc giấy tờ cho cơ quan giải quyết TTHC. Trong thời gian tới, Cục sẽ thực hiện rà soát, lựa chọn ít nhất 01 dịch vụ công trong tổng số 30 dịch vụ công trực tuyến một phần, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng chí đề xuất tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện nhiệm vụ ở bộ phận một cửa và cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ trực tuyến.

Đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu tại Tọa đàm

Trong lĩnh vực con nuôi, đại diện Cục Con nuôi cho biết, hiện Cục đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đối với 03 thủ tục gồm: cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài ở Việt Nam, gia hạn giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài ở Việt Nam, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi ở nước ngoài; tuy nhiên việc sử dụng dịch vụ công vẫn còn hạn chế. Cụ thể, đối với các giấy tờ có trong hồ sơ đề nghị cấp phép, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động tại Việt Nam thường do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp; do đó, để có thể sử dụng tại Việt Nam, các tổ chức thường phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ nên thường lựa chọn việc nộp trực tiếp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Ngoài ra, việc cấp giấy xác nhận cho công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi rất ít phát sinh trên thực tế (từ khi Luật Con nuôi có hiệu lực đến nay chỉ phát sinh 01 đến 02 trường hợp xin xác nhận), vì vậy công dân cũng lựa chọn hình thực nộp trực tiếp thay vì tiến hành việc nộp trực tuyến.


Đại diện Cục Con nuôi phát biểu tại Tọa đàm.

Nhằm thúc đẩy công tác thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đồng chí đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông về cung cấp dịch vụ công để người dân, doanh nghiệp được biết và lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến do đơn vị cung cấp; đồng thời thường xuyên đánh giá nhu cầu thực tiễn sử dụng dịch vụ công của của người dân, từ đó đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan đề nghị cần rà soát các quy định pháp luật liên quan; quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ, thực hiện số hóa các kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; kết nối đồng bộ kho dữ liệu của Bộ với kho dữ liệu quốc gia và kho dữ liệu của các đơn vị thuộc Bộ. Đồng chí cũng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
 


Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan tại Tọa đàm.

Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết việc chuyển đổi phương thức thực hiện dịch vụ công từ trực tiếp sang trực tuyến đòi hỏi nhiều công đoạn, từ vấn đề về cơ sở pháp lý đến hạ tầng kỹ thuật, sự sẵn sàng từ phía nhà nước và sự tích cực tham gia của người dân.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ cần phát huy vai trò chủ trì, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Bộ; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ trực tuyến của các đơn vị thuộc Bộ; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; thống nhất với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Cục Bổ trợ tư pháp xác định các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành yêu cầu của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2023.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị phải xác định việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và nhiệm vụ của chuyển đổi số quốc gia là giải pháp để tăng cường hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, Văn phòng Bộ cần khẩn trương tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Thông tư 01/2023/TT-VPCP.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận Tọa đàm.

Các đơn vị thuộc Bộ cũng cần chủ động, sáng tạo, đề xuất các giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; điều chỉnh, rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, trong đó có dịch vụ công trực tuyến, quản trị nội bộ.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Cục Công nghệ thông tin bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu lưu trữ cơ sở dữ liệu; bảo đảm kết nối an ninh, an toàn thông tin; bảo đảm nguồn nhân lực hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử và chuyển đổi số.

Trích Nguồn: https://https://moj.gov.vn