TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ bảy, 27/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

Thứ hai, 07/11/2022

Thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe và người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng còn tiềm ẩn phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, nhất là trên tuyến QL1A, QL10, tại các điểm nút giao thông quan trọng còn diễn ra trong các giờ cao điểm, ngày nghỉ, ngày lễ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ, chở hàng quá tải, phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn… Bên cạnh đó, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp với sự gia tăng của phương tiện, nhất là xe ô tô cá nhân; đồng thời, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông vẫn còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, ngày 02/11/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 755/UBND-VP4, theo đó yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bám sát Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 để chủ động tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp về đảm bảo TTATGT trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

- Tăng cường tuyền truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “chấp hành quy định về tốc độ, không chạy quá tốc độ cho phép”; các đơn vị kinh doanh vận tải “không cơi nới thùng xe, không chở hàng quá khổ, quá tải”. Nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về TTATGT.

2. UBND các huyện, thành phố

Chỉ đạo và gắn trách nhiệm của người đứng đầu UBND các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Đối với địa bàn thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và các thị trấn, phải duy trì thường xuyên, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, không để tái lấn chiếm, kể cả những trường hợp để vật liệu xây dựng, làm rạp đám cưới, đám tang,… gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

3. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ chiến sĩ, phòng ngừa các sai phạm tiêu cực; phấn đấu xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình các Tổ công tác phối hợp nhiều lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự, TTATGT.

4. Sở Giao thông vận tải

- Tăng cường công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái, nhất là hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô và phương tiện đường thủy nội địa.

- Đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư, nâng cấp và bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng; ưu tiên khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, làm gờ giảm tốc, bổ sung hệ thống biển báo giao thông, cảnh báo nguy hiểm phù hợp với từng tuyến đường, đảm bảo đúng quy định.

 - Tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm, công tác cấp giấy phép lái xe để đánh giá thực trạng, toàn diện, khách quan, chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tiêu cực.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “An toàn trường học”; tập trung tuyên truyền pháp luật về TTATGT và đẩy mạnh xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn”; tăng cường thời gian giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khoá để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên các cấp học; thường xuyên nhắc nhở, đưa các thông tin liên quan đến TTATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, tổ, đội… để nâng cao ý thức chấp hành cho học sinh, sinh viên; đồng thời có hình thức giáo dục, xử lý đối với học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT.

6. Ban An toàn giao thông tỉnh Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã đề ra về đảm bảo TTATT trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Chi tiết Công văn số 755/UBND-VP4 ngày 02/11/2022

P.T