TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ hai, 29/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Ninh Bình: Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023

Thứ sáu, 19/05/2023

Ngày 16/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, thời gian từ ngày 01/6/2023 đến hết ngày 30/6/2023. Theo đó, Kế hoạch đề ra các hoạt động trọng tâm sau:

1. Tổ chức các sự kiện và hoạt động truyền thông, vận động xã hội

- Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội đối với các chủ trương, chính sách và đóng góp nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu vì trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động xã hội:

+ Tổ chức chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em nhất là đuối nước, tai nạn giao thông.

+ Tổ chức truyền thông, giáo dục để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng nhằm chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

+ Đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em, truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111), đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh (1800556882), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương.

+ Sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình vì trẻ em VTV1.

+ Vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm tổ chức các hoạt động: thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, các điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

2. Hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh

- Triển khai lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ em thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt các quyền của trẻ em.

- Tổ chức Diễn đàn, chương trình tọa đàm, đối thoại... để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em và lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em. Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống, tai nạn thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi tổ chức các khóa học tập, rèn luyện có sự tham gia của trẻ em trong kỳ nghỉ hè phải bảo đảm theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục.

3. Công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến từng trường học, lớp học, thôn, bản, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.

- Kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là khu vực hồ nước, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm, hệ thống thoát nước thường xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục triển khai xây dựng Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

- Tăng cường hướng dẫn trẻ em các kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em. Triển khai các can thiệp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em thường gặp như: Phòng, chống tai nạn giao thông, phòng, chống ngã, phòng, chống bỏng, phòng, chống súc vật cắn.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các điều kiện đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra thông điệp và khẩu hiệu truyền thông như sau:

- Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em.

- Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em.

- Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

- Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.

- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

- Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng.

- Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai.

- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

T.H