TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 25/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ sáu, 10/03/2023

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo Luật) đang được lấy ý kiến của toàn dân thông qua nhiều hình thức như tổ chức các buổi tọa đàm, các Hội nghị xin ý kiến góp ý trực tiếp hoặc qua các website…. Thành phần được tham gia lấy ý kiến cũng rất đa dạng và đông đảo về số lượng. Xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị lớn trong những tháng đầu năm 2023, (dự thảo Luật) sau khi có hiệu lực cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT rất coi trọng trí tuệ tập thể và trách nhiệm của từng công chức, viên chức và lao động của ngành đối với quá trình tham gia góp ý.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai lấy ý kiến góp ý đối với (dự thảo Luật), Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 319/SNN-KHTC ngày 08/02/2023 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

Công tác quán triệt, triển khai và chỉ đạo cán bộ trong đơn vị chủ động nghiên cứu dự thảo Luật được triển khai từ đầu tháng 02. Ngày 03/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật thành phần tham dự Hội nghị gồm các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh một số ý kiến góp ý vào bố cục chung của Dự thảo như thể thức văn bản, sắp xếp lại các khoản tại Điều 3, bỏ cụm từ “vi phạm” tại Điều 231, bổ sung quy định “Cơ quan quản lý đất đai” tại mục 2 Chương III; các ý kiến còn tập trung góp ý về một số điều luật cụ thể, trong đó đề nghị nên quy định rõ một số khái niệm như “đất có mặt nước là ao, hồ, đầm”, “đất có mặt nước ven biển”, “đất bãi bồi ven sông, ven biển” có nằm trong nhóm “đất nuôi trồng thủy sản”, “đất có mặt nước chuyên dùng” hay không vì Điều 206 quy định “Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dụng” để có căn cứ  xác định thuộc nhóm đất nào; từ đó có sự thống nhất khi áp dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành khác; các quy định liên quan đến việc xác lập quan hệ pháp luật đất đai đối với chủ thể “hộ gia đình”; việc sử dụng thống nhất các khái niệm “đất trồng lúa”, “đất chuyên trồng lúa, đất trồng lúa còn lại” trong các quy định của Luật. Các ý kiến cũng đề nghị xem xét nâng hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản tại khoản 1 Điều 170 để phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 88 dự thảo Luật cũng cần phân biệt rõ ràng hơn giữa 2 chủ thể “người có đất trưng dụng” và “chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng”;quy định về việc chi trả tiền bồi thường thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thiếu chủ thể “chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng”; dự thảo cũng cần làm rõ việc chi trả và hình thức chi trả cho 2 chủ thể “người có đất trưng dụng” và “chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng” trong trường hợp đây là 2 chủ thể độc lập với nhau để đảm bảo tính công bằng, khách quan và chính xác trong việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.

Sau khi nghe đại diện các đơn vị báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý tại đơn vị, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đổi mới phương pháp lấy ý kiến góp ý để công tác lấy ý kiến đảm bảo chiều sâu, hiệu quả. Ngoài việc tham gia lấy ý kiến chung (bố cục, nội dung của dự thảo Luật Đất đai) công chức, viên chức và người lao động trong Sở cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm liên quan tới các nội dung về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp như: (1) Phân loại đất và chính sách đối với từng loại đất; (2) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; (5) Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (6) Về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; (7) Chế độ sử dụng đất đa mục đích; (8) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, di dân, tái định cư; (9) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; (10) Trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp./.

Đinh Thị Mỹ Hạnh