TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ tư, 18/09/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình năm 2024

Thứ sáu, 07/06/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả điều hành kinh tế của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) một cách bền vững, ngày 30/5/2024 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình năm 2024.

Theo đó, đối tượng được khảo sát, đánh giá được chia thành 02 nhóm: 

- Nhóm 1, các sở, ban, ngành gồm 23 đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Công thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tư pháp; Sở Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Tài chính; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Ban quản lý các Khu công nghiệp; Thanh tra tỉnh; Công An tỉnh (Phòng cháy chữa cháy); Cục Thuế tỉnh; Cục Hải quan Hà Nam Ninh; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Ninh Bình; Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Cục Quản lý thị trường Ninh Bình.

- Nhóm 2, các địa phương gồm 8 UBND cấp huyện, thành phố: thành phố Ninh Bình; thành phố Tam Điệp; huyện Hoa Lư; huyện Gia Viễn; huyện Kim Sơn; huyện Nho Quan; huyện Yên Khánh; huyện Yên Mô.

Phạm vi khảo sát: Các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

- Số lượng dự kiến: Khoảng 3.100 doanh nghiệp (kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 2530%), trong đó: 

+ 800 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương (Mỗi doanh nghiệp chỉ đánh giá 01 địa phương nơi đặt trụ sở chính hoặc địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khảo sát. Tổng số phiếu khảo sát khối địa phương là 800 phiếu).

+ 2300 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành (Đối với khối sở, ban, ngành doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ đánh giá 01 sở, ban, ngành trực tiếp giải quyết TTHC và 01 phiếu đánh giá thêm 01 sở, ban, ngành có liên hệ giải quyết TTHC hoặc có hiểu biết nhất. Tổng số phiếu khảo sát khối sở, ban, ngành = 2.300DN x 2 phiếu).

 - Số phiếu khảo sát dự kiến phát ra: khoảng 5.400 phiếu

Phương pháp khảo sát: Điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp, hiệu quả, gồm:

- Khảo sát phỏng vấn trực tiếp (25% tổng số phiếu phát ra): tại doanh nghiệp (hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công/Bộ phận Một cửa cấp huyện, thành phố) nhằm xác thực thông tin và kiểm soát chất lượng.

 - Khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện: (25% tổng số phiếu phát ra) phiếu khảo sát sẽ được gửi đến doanh nghiệp thông qua đường thư tín.

- Khảo sát trực tuyến qua mẫu Phiếu Google Forms: (50% tổng số phiếu phát ra) phiếu khảo sát sẽ được biên tập và được gửi đến doanh nghiệp qua địa chỉ email. 

Nội dung khảo sát: Theo nội dung tại Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) và Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 28/06/2022 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình, trong đó:

- Các chỉ số thành phần DDCI năm 2024 gồm: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; (2) Tính năng động và tiên phong; (3) Chi phí thời gian; (4) Chi phí không chính thức; (5) Cạnh tranh bình đẳng; (6) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; (7) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; (8) Vai trò của người đứng đầu; (9) Quản trị điện tử; Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm Chỉ số (10) Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

- Phiếu khảo sát sẽ được tính toán hợp lý nhằm cụ thể hóa các tiêu chí, đối tượng được đánh giá, đồng thời thể hiện được các nội dung chủ yếu mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Kết quả DDCI là cơ sở đề ra các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) một cách toàn diện và bền vững./.

(Chi tiết xem tại Kế hoạch số 108/KH-UBND triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình năm 2024)