TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 05/11/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Tỉnh Ninh Bình: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khu công nghiệp

Thứ ba, 16/07/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Công tác quản lý nhà nước trong các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình trong những năm qua tiếp tục được triển toàn diện và hiệu quả, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN đạt được nhiều kết quả tích cực; thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN tỉnh đi vào ổn định và phát triển.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KCN trong thời gian tiếp theo, ngày 12/7/2024 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 713/UBND-VP4, theo đó UBND tỉnh yêu cầu:

*Về quy hoạch và thành lập mới các KCN:

- Ban Quản lý các KCN tỉnh căn cứ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan: Tập trung nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh định hướng xây dựng và phát triển các KCN, trong đó tính toán, xây dựng phương án và triển khai thực hiện từng bước chuyển đổi các KCN đang hoạt động sang mô hình KCN xanh, KCN sinh thái, thân thiện môi trường; chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch KCN Tam Điệp II, KCN Gián Khẩu II, KCN Phú Long theo loại hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; nghiên cứu, tham mưu phương án quy hoạch đối với KCN Kim Sơn, KCN Yên Bình, KCN Xích Thổ theo mô hình KCN mới (KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao…). Hướng dẫn và đồng hành cùng nhà đầu tư cơ sở hạ tầng KCN trong việc đề xuất dự án theo loại hình KCN mới, hướng đến cân bằng mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh.

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn Ban Quản lý các KCN tỉnh trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các KCN đảm bảo tuân thủ đúng các quy định và quy hoạch có liên quan.

*Về ý kiến thẩm định đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCN (dự án KCN)

- Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư đề xuất dự án KCN đáp ứng các điều kiện đầu tư hạ tầng KCN theo đúng quy định của pháp luật.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về sự phù hợp của diện tích đề xuất thực hiện dự án KCN với các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan của tỉnh và quốc gia, tránh phân bổ dàn trải chỉ tiêu đất KCN, ưu tiên phân bổ cho các dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, có tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư và đảm bảo các điều kiện về kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho hoạt động của KCN, hiệu quả sử dụng đất; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với các dự án KCN có đất lúa cần chuyển đổi, đảm bảo các quy định của pháp luật.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về an ninh lương thực đối với các dự án KCN phải chuyển đổi diện tích đất trồng lúa lớn; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các dự án KCN có diện tích rừng cần chuyển đổi, đảm bảo các quy định của pháp luật.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án KCN; phương án xử lý tài sản công, tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước quản lý, sử dụng (nếu có) trong khu vực thực hiện dự án để đảm bảo hồ sơ dự án KCN đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện sau này.

 - Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch huy động vốn, bố trí các nguồn vốn ngân sách hàng năm, trung hạn và nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phương án, kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo nhu cầu hoạt động của các KCN; việc đào tạo lại, chuyển đổi nghề của người dân bị thu hồi đất, đặc biệt là những KCN thu hồi đất lúa lớn.

*Về thực hiện các dự án KCN:

- Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:  Tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư thứ cấp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc có hình thức xử lý cụ thể đối với từng trường hợp; giám sát nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng tuân thủ quy hoạch xây dựng KCN được phê duyệt, tiêu chuẩn về xây dựng, môi trường theo quy định pháp luật; giám sát và đánh giá chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, trong đó lưu ý việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, sở, ngành có liên quan đối với các KCN theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

* Về thu hút đầu tư vào các KCN: Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh: Thu hút đầu tư theo hướng phát triển các cụm liên kết ngành và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong KCN; đẩy nhanh việc chuyển đổi và xây dựng mới các KCN sinh thái, phát triển loại hình KCN mới. Kiểm soát việc thu hút đầu tư vào các KCN gắn với thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; hạn chế thu hút các dự án đầu tư sử dụng nhiều tài nguyên, nước, hóa chất, năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, hiệu quả thấp.

 (Chi tiết xem tại Văn bản đính kèm Văn bản số 713/UBND-VP4 ngày 12/7/2024 của UBND tỉnh Ninh Bình)

ĐT