TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 19/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Thứ sáu, 19/11/2021

Ngày 08/11/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Nghị quyết xác định đến năm 2024, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đến năm 2025 có 25% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn  mới kiểu mẫu; bảo tồn và phát triển 02 đến 03 nghề, làng nghề truyền thống, phát triển mới 02 đến 03 làng nghề. Đến năm 2030, phấn đấu 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao; có từ 02 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với nâng cao chất lượng sống cho dân cư nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 09 giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung cho các tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường, chất lượng cuộc sống, hướng tới nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

4. Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, y tế cấp xã. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, góp phần giảm khoảng cách giữa học sinh nông thôn và thành thị. Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; phục dựng, bảo tồn và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

5. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện, liên vùng.

6. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, trọng tâm là xây dựng cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề hiện có. Rà soát, đánh giá toàn diện tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề, trang trại nông nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh.

7. Coi trọng và triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan kiến trúc truyền thống của nông thôn.

8. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp.

9. Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; tạo thuận lợi để người dân thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết giao các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với đặc điểm tình hình của ngành, địa phương, đơn vị mình. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ quy định của pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách nhằm thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết và kết quả thực hiện.

H.M

Các tin khác