TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 18/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Thứ tư, 25/11/2020
Sáng 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.  
Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình

Theo Báo cáo Tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Tư pháp cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh đó, chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật đã được đổi mới. Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cho cả Trung ương và địa phương. Công tác thi hành pháp luật đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn, bước đầu áp dụng khoa học công nghệ vào công tác truyền thông để đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được đề cao.

Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới, nhất là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành: 112 văn bản, giảm 08 văn bản so với giai đoạn 2011 – 2015; 745 nghị định; 232 quyết định, giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011 - 2015; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản. Có thể thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm so với giai đoạn 2011 - 2015, điều đó thể hiện chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.

Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp; yêu cầu các bộ, ngành rà soát cắt giảm 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm gỡ bỏ những rào cản bất hợp lý và tạo môi trường thông thoáng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Những nỗ lực cải cách của Việt Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. So với năm 2015, xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2020) của Việt Nam đã tăng 20 bậc (hiện xếp thứ 70 trong 190 nền kinh tế).

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ xác định phương hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Cùng với, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện các loại thị trường để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hình thành hệ thống thể chế có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh; sử dụng công cụ chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; sửa đổi các luật liên quan đến quyền tự do kinh doanh, quản lý thương mại, đầu tư, ngân sách, thuế… tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính; Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và thi hành pháp luật...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng pháp luật là bệ đỡ giúp cho đất nước phát triển bền vững; đồng thời đánh giá cao sự quan tâm của các cấp các ngành cũng như các ý kiến tham luận tại hội nghị đối với vấn đề quan trọng này. Đối với những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quán triệt kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hoá thành các quy định pháp luật; Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng, cơ quan gác cửa trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa tính dự báo và chất lượng các chương trình trong xây dựng pháp luật; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hoá kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến; rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả với các chế tài nghiêm minh…Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Trích nguồn: ninhbinh.gov.vn