TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 28/03/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

03 hoạt động chính về hành động bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023

Thứ tư, 22/02/2023

Ngày 17/02/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND Hành động bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023. Theo đó, gồm các nội dung hoạt động chính sau đây:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực quản lý về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương

- Các cấp, các ngành, các tổ chức Chính trị - Xã hội thực hiện nghiêm túc Chỉ thịsố 13/CT-TTg ngày 9/5/2016, Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch số 102-KH/TU ngày 20/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Tiếp tục chỉ đạo, điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về ATTP trong lĩnh vực Công Thương với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiểm soát hàng hóa lưu thông, phân phối, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu nâng cao năng suất chất lượng ngành Công Thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ tại Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 04/6/2021 của UBND tỉnh và triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực Công Thương năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực, địa phương quản lý như: Kế hoạch triển khai Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Tết nguyên đán và kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong năm 2023.

- Thực hiện diện rộng Văn bản hợp nhất số 18/VBHN-BCT ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương giữa Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 để quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

- Tổ chức có hiệu quả Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ Công Thương Quy định về quản lý ATTP thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương; thực hiện phân công, phân cấp quản lý các cơ sở thực phẩm cụ thể, đảm bảo nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý.

- Không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý ATTP trong lĩnh vực Công Thương.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP trong lĩnh vực Công Thương; tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP. Nội dung tuyên truyền cho các nhóm đối tượng như sau:

- Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý:

+ Tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm quy định tại các văn bản hiện hành.

+ Các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm.

- Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý: Tuyên truyền các quy định về: điều kiện bảo quản thực phẩm, vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm. Tuyệt đối không bày bán thực phẩm quá hạn sử dụng, không đảm bảo ATTP.

- Đối với người tiêu dùng:

+ Phổ biến tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm.

+ Hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng sản phẩm an toàn, cách phân biệt, nhận biết thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, mất an toàn.

Thông tin rộng rãi về những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương đảm bảo ATTP và những cơ sở vi phạm quy định điều kiện ATTP.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra

Tập trung hậu kiểm, giám sát, thanh tra kiểm tra trên diện rộng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao thường xuyên biến động về giá; ưu tiên thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý truy xuất và xử lý triệt để trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo đảm vệ sinh ATTP tại tuyến tỉnh, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong các dịp cao điểm hoặc khi xảy ra vấn đề đột xuất tại địa phương do UBND tỉnh quyết định.

- Thực hiện kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khi có các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm hoặc khi phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị diễn ra tại địa phương; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành định kỳ theo kế hoạch và yêu cầu của các Bộ, ngành Trung ương.

- Thực hiện kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành quản lý. Chú ý kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP trong khâu lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chợ trên địa bàn tỉnh./.

P.T