TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 25/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh 6 tháng đầu năm 2021

Thứ hai, 28/06/2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hội đồng phối hợp các cấp đã tham mưu tư vấn cho Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, định hướng trọng tâm nội dung tuyên truyền gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, gắn với xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong từng thời kỳ. Trọng tâm là tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các Cuộc thi, Hội thi tìm hiểu pháp luật… tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú. Cụ thể:

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tuyên truyền pháp luật bầu cử, các ngành thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh, Hội đồng phối hợp các huyện, thành phố đã tổ chức 1.601 buổi tuyên truyền cho hơn 163.115 lượt người tham gia, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng học sinh, đoàn viên lần đầu tham gia bỏ phiếu, các ứng cử viên nữ lần đầu tham gia ứng cử. Trang/ Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh và loa truyền thanh cấp xã tăng lượng tin, bài, chuyên mục tuyên truyền về bầu cử với 6.837 tin, bài, chuyên mục, phóng sự, lượt phát sóng, tuyên tuyền trực quan trên hệ thống bảng chữ điện tử và màn hình Led của các cơ quan, đơn vị, cấp phát 3.468 cuốn Luật, sách, hỏi đáp pháp luật, 87570 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền; làm mới 184 cụm pa nô lớn, 3.724 pa nô nhỏ; căng treo hơn 69.211 băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, cờ, phướn các loại; 31 mô hình cổ động tuyên truyền bầu cử; hoàn thành 3 tuyến đường bích họa tuyên truyền cổ động về bầu cử, chỉnh trang 136 cổng chào tại các khu vực bỏ phiếu huyện Yên Khánh; tổ chức các đoàn xe tuyên truyền lưu động với hơn 100 lượt…

Hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức, Hội đồng phối hợp tỉnh ban hành đã ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị phát động, triển khai, truyền thông về Cuộc thi với nhiều hình thức phù hợp. Kết thúc Cuộc thi, tỉnh Ninh Bình là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên toàn quốc có số người tham gia đông đảo nhất với 50.654 lượt dự thi và 36.102 người dự thi đạt 17/36 giải (chiếm 47% số giải tại Cuộc thi) và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tằng Bằng khen cho tập thể Sở Tư pháp vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Cuộc thi. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về cuộc bầu cử như: Hội Nông dân tỉnh tổ chức “Hội thi Nhà nông đua tài năm 2021” chủ đề “Nông dân Ninh Bình với ngày hội non sông” theo hình thức sân khấu hóa; UBND huyện Kim Sơn đã tổ chức Hội thi “Đường tuyên truyền, cổ động trực quan”.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành căn cứ vào tình hình thực tế đã tổ chức các Cuộc thi, Hội thi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2019 và 75 năm thành lập Công đoàn Ninh Bình"; Cuộc thi trực tuyến "Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam"; Cuộc thi trắc nghiệm "Chung tay vì an toàn giao thông"; Cuộc thi trực tuyến "Công nhân viên chức lao động với ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc"...

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó, Công an tỉnh tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép cho 2.512 lượt người lao động; tuyên truyền trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tập trung hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho các phạm nhân chuẩn bị xong chấp hành án phạt tù trở về địa phương, trong đó tư vấn pháp luật cho 365 trường hợp, trợ giúp pháp lý cho 84 trường hợp. Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội phối hợp tổ chức 05 hội nghị với hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân, người lao động, chủ sử dụng người lao động trong các doanh nghiệp. Liên Đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cơ sở tổ chức được 976 hội nghị cho 62.537 lượt người lao động. Các cấp Hội phụ nữ tổ chức 45 buổi tuyên truyền PBGDPL về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, đăng ký giúp đỡ 136 thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Sở Tư pháp (Trung tâm TGPL) đã tham gia bào chữa, đại diện ngoài tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 61 trường hợp thuộc đối tượng TGPL, đối tượng đặc thù; phối hợp với các địa phương tổ chức 19 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 617 người tham dự và tư vấn miễn phí cho 102 người trong đó có 57 người khuyết tật. Huyện Kim Sơn phối hợp tổ chức tuyên truyền cho người dân ở 05 xã bãi ngang, ven biển trên địa bàn. Huyện Hoa Lư phối hợp tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền cho trên 450 người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn...

2. Công tác hoà giải ở cơ sở

Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.678 tổ hòa giải với 9.775 hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 317 vụ việc hòa giải, trong đó hoà giải thành 250 vụ (đạt 78,9%), hòa giải không thành 46 vụ, đang thực hiện 21 vụ. Một số huyện, thành phố có tỷ lệ hòa giải thành cao như thành phố Tam Điệp (90,5%), huyện Hoa Lư (85,7%)... Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; góp phần tích cực vào việc ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 619/QĐ - TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 856/QĐ-UBND ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xét, công nhận 138/143 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo 05 tiêu chí theo đúng quy định (trong đó 101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 08 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Đối với các xã, thị trấn chưa được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra và tham mưu Hội đồng phối hợp và UBND cùng cấp chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đạt các tiêu chí xét công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật.

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2021, Hội đồng phối hợp các cấp đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu, giúp UBND cùng cấp triển khai công tác PBGDPL, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; nội dung PBGDPL đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chung của tỉnh.

File đính kèm: Báo cáo số 01/BC-HĐPH

T.H

Các tin khác