TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 25/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Thực trạng và giải pháp thực hiện chế độ chính sách đối với đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ ba, 06/07/2021

 Theo số liệu thống kê tỉnh Ninh Bình năm 2020, trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với 148.000 công nhân lao động, trong đó có 71 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,5 tỷ USD đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, 44 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã đi vào hoạt động với 52.931 công nhân lao động. Nhìn chung, lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp FDI được đào tạo nghề trong thời gian nhất định. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về quan hệ lao động tại các doanh nghiệp FDI đã được nâng lên rõ rệt. Người lao động đã thực hiện cơ chế thương lượng, thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến quyền lợi và lợi ích của cả hai bên thông qua đối thoại, kiến nghị, đề nghị công đoàn cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình được đưa vào thỏa ước lao động tập thể; đây được coi là văn bản pháp lý trong doanh nghiệp để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động, đồng thời là cơ sở giải quyết khi có tranh chấp lao động xảy ra. Việc tuân thủ pháp luật lao động của người sử dụng lao động cũng ngày càng được coi trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập, hỗ trợ nhà ở và chăm lo các điều kiện văn hóa tinh thần cho người lao động, nhằm giúp cho người lao động an tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.

Các quy định của pháp luật Việt Nam về tổ chức công đoàn được thể hiện trong Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật tố tụng hình sự, Luật công đoàn, nhìn chung đã hướng tới bảo đảm vai trò của tổ chức công đoàn trong thực thi chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đối với hành lang pháp lý về lao động và quan hệ lao động đã và đang được kiện toàn để phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế.  

Để đánh giá thực trạng việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động trong doanh nghiệp FDI, Liên đoàn lao động tỉnh đã tiến hành khảo sát 2.630 người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ công đoàn ở 33 doanh nghiệp FDI. Kết quả khảo sát như sau:

- Về việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp: các doanh nghiệp cơ bản đều đảm bảo việc làm cho người lao động đạt trên 97%.

-  Chính sách tiền lương cơ bản các doanh nghiệp đảm bảo trả theo mức tăng hàng năm theo quy định lương tối thiểu vùng.

- Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 99,6%. Tuy nhiên, mức tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội còn có sự chênh lệch khá lớn so với mức tiền lương thực tế của người lao động.     

- Việc thực thi hợp đồng lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động được thực hiện tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động chưa ổn định việc làm lâu dài còn tương đối cao; vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện các cam kết trong hợp đồng chưa nghiêm túc, vi phạm quyền lợi người lao động, dẫn đến tranh chấp lao động hoặc ngừng việc tập thể (9 vụ trong năm 2018 và 2019). Các vi phạm chủ yếu tập trung vào các vấn đề: cách trả lương, thưởng, chuyên cần; thời gian làm thêm quá nhiều, điều kiện làm việc không đảm bảo, cách hành xử, quản lý người lao động… Ngoài ra, để tránh nộp bảo hiểm xã hội, một số chủ sử dụng lao động đã chuyển từ ký kết hợp đồng lao động sang ký kết hợp đồng dịch vụ, tư vấn, cộng tác viên đối với một số công việc thường xuyên.

- Về ký kết thỏa ước lao động tập thể: Về cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng các hình thức: xây dựng các quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất. Tuy nhiên trên thực tế, một số bản thỏa ước sau khi được ký kết đã không được chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc, ở một số nội dung liên quan đến việc nợ lương, không điều chỉnh lương tối thiểu, trả lương không đúng quy định, không theo hợp đồng lao động hoặc trừ thu nhập trái pháp luật; tăng định mức lao động để giảm tiền lương của người lao động; vi phạm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, nợ bảo hiểm xã hội…

- Các chính sách về khám sức khỏe cho người lao động theo quy định đạt 92%; hình thức chủ yếu khám tập trung thông qua mời đơn vị chuyên môn tổ chức khám tại doanh nghiệp; tuy nhiên chất lượng khám theo dịch vụ chưa kỹ, chủ yếu là thực hiện cho đúng quy định pháp luật. Chính sách về nâng lương định kỳ, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, bậc thợ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các chế độ nghỉ lễ, tết và phép năm của người lao động cơ bản được đảm bảo theo Bộ luật lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều có các khoản hỗ trợ ngoài lương cho người lao động tùy theo từng đối tượng.

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là chức năng bẩm sinh của tổ chức công đoàn. Vì vậy, các cấp công đoàn Ninh Bình luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất, trong đó đối với công nhân lao động trong doanh nghiệp FDI đặt lên hàng đầu, bởi vì môi trường này đông công nhân lao động, đa dạng thành phần, việc tăng ca thường xuyên diễn ra.

Để thực hiện tốt vai trò của mình, các cấp công đoàn đã có nhiều biện pháp và hình thức đổi mới, phù hợp; quan tâm triển khai nhiều chương trình, hoạt động hiệu quả như: Chương trình phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; Chương trình phổ biến, tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động; Chương trình thúc đẩy thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; triển khai các hoạt động đối thoại, tổ chức hội nghị người lao động, phối hợp giải quyết kịp thời các vụ ngừng việc tập thể.. trong đó tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là pháp luật lao động để bản thân người lao động hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân để tự bảo vệ mình và chấp hành kỷ luật lao động để không bị vi phạm hoặc đề nghị người sử dụng lao động thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy nhận thức của người lao động về pháp luật ngày càng được nâng lên, quan hệ lao động ngày càng hài hòa, tiến bộ giữa người sử dụng lao động và người lao động, hạn chế những xung đột trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp việc thực hiện một số chính sách đối với người lao động vẫn còn tồn tại những bất cập, khó khăn. Cụ thể như:

Thứ nhất, việc tham gia của tổ chức công đoàn vào quá trình đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế. Cán bộ công đoàn khi tham gia đàm phán ký kết thỏa ước còn thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết chính sách, pháp luật nhất là luật lao động. Việc chuẩn bị của cán bộ công đoàn trước khi tổ chức thương lượng tập thể còn yếu, thậm chí nhiều nơi còn chưa biết cách tổ chức lấy ý kiến, thuyết phục tập thể người lao động, nhất là đối với những vấn đề người lao động còn phân vân. Do vậy, phần lớn thỏa ước lao động tập thể được ký kết chủ yếu rập khuôn theo quy định của pháp luật. 

Thứ hai, Vai trò công đoàn đại diện cho người lao động chưa thực sự phát huy ở nhiều doanh nghiệp do cán bộ công đoàn đều làm kiêm nhiệm, hưởng lương từ người sử dụng lao động nên ngại đối đầu với người sử dụng lao động do sợ mất việc hoặc gặp khó khăn do chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn và của chính bản thân mình nên có những việc làm, hành vi vi phạm nội quy, quy định và các quy định của pháp luật nên công đoàn cũng không thể đứng về phía người lao động.

Thứ ba, Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về pháp luật lao động trong quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý khi có vi phạm chưa thường xuyên, quyết liệt dẫn đến doanh nghiệp làm đối phó; một số doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm đối với người lao động.

Thứ tư, Nhiều doanh nghiệp chưa tạo điều kiện để công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người lao động; việc tổ chức đối thoại cũng chưa thực hiện thường xuyên; trách nhiệm đối với người lao động còn mức độ.

Từ thực trạng việc thực hiện chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp FDI trong những năm qua. Đặt ra vấn đề cần xem xét các quy định của pháp luật cũng như việc giám sát việc thực thi pháp luật cần phải được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, khi tiến hành phải quyết liệt và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Trong đó đặt ra trách nhiệm của tổ chức công đoàn cần tập trung tiến hành một số giải pháp sau:

Một là, Công đoàn cần giải quyết tốt các mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết khi có những phát sinh trong quan hệ lao động để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo đúng quy định; công đoàn cơ sở phải giải quyết tốt mối quan hệ với người sử dụng lao động để tham gia có hiệu quả trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể, các quy định và giám sát đảm bảo thực hiện tốt các chính sách cho người lao động.

Hai là, Nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn và chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở; trong đó coi trọng rèn luyện các kỹ năng, kiến thức pháp luật, cán bộ công đoàn cần phải có bản lĩnh, quan điểm rõ ràng trước những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, khi cần thiết có thể đại diện cho người lao động để khởi kiện ra tòa giải quyết những vấn đề vướng mắc mà không thể giải quyết tại doanh nghiệp.

Ba là, Thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại chỗ cho người lao động. Duy trì đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động; nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cả hai bên, trong đó công đoàn sẽ là cầu nối, người giải quyết hài hòa các mối quan hệ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả hai bên trong quan hệ lao động./.

Lê Mai Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh