TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 19/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

Thứ năm, 21/01/2021

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; trong đó, Sở đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

kiểm tra vật tư nông nghiệp năm 2020

Đồng thời, Sở đã chú trọng, đẩy mạnh cả về hình thức và nội dung, đặc biệt tập trung vào các đợt trọng điểm trong năm như dịp Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội, Tháng hành động, tết Trung thu, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như trên hệ thống thông tin đại chúng như Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Website của Trung ương và địa phương. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng, các chỉ tiêu về kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm được cải thiện đáng kể.

1. Thông qua việc chứng nhận chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn do được kiểm soát từ khâu sản xuất đến khâu đưa ra thị trường; từ đó giúp cho người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và tiếp cận được với các nông sản thực phẩm an toàn, qua đó các cơ sở cũng được nhận diện không chỉ ở trong phạm vi nội tỉnh mà trên toàn quốc. Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục giám sát 10 chuỗi đã được xác nhận và xác nhận thêm 10 chuỗi (chuỗi sản phẩm chế biến từ hải sản, rau, thịt lợn, thịt gà, chuỗi sản phẩm chế biến từ thịt lợn, trái cây, thịt dê, chè).

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

kiểm tra vật tư nông nghiệp năm 2020

2. Đối với sản phẩm nguồn gốc thực vật: Đã lấy 81 mẫu sản phẩm thực vật tươi sống (rau các loại, gạo…) giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nấm mốc; 30 mẫu sản phẩm thực vật đã qua chế biến (cơm cháy, đồ hộp rau quả) giám sát chỉ tiêu Cl.perfringen, tổng số bào tử nấm men, nấm mốc, Coliform tổng số, Staphylococcus aureus.  Kết quả: xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 mẫu (mẫu măng dầm dấm) vi phạm với số tiền là 3,2 triệu đồng.    

3. Đối với sản phẩm nguồn gốc động vật: Đã lấy 112 mẫu, thịt gà, thịt lợn, thịt trâu bò… để giám sát các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật, chất cấm, chất tạo nạc… Kết quả 100% số mẫu có chỉ tiêu phân tích đảm bảo theo quy định.

4. Đối với thực phẩm thủy sản: Đã lấy 39 mẫu trong giai đoạn nuôi và 12 mẫu thủy sản chế biến gồm ngao, chạch sụn, tôm, cua, mắm các loại giám sát các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật,…. Kết quả: xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 mẫu vi phạm (gồm 01 mẫu mắm tép và 01 mẫu mắm cáy) với số tiền là 1,5 triệu đồng.

5. Đối với giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp: Đã lấy 191 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thức ăn thủy sản), phân bón, giống lúa. Kết quả: xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 mẫu vi phạm với tổng số tiền là 42,85 triệu đồng.

6. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm được tăng cường, đã kiểm tra tại 420 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 20 cơ sở vi phạm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 97,1 triệu đồng./.

Phạm Thị Bích Liên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn