TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 28/03/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Phát huy vai trò Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới

Thứ tư, 23/03/2022

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Hội đồng do Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cùng cấp làm chủ tịch Hội đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Quyết định kiện toàn Hội đồng PBGDPL của UBND TP. thì Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách công tác tư pháp. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Phó Chánh Văn phòng UBND TP phụ trách công tác tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP; Đề xuất Thành ủy, UBND TP ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Xây dựng Chương trình, Đề án, Kế hoạch của UBND TP, Chủ tịch UBND TP về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách pháp luật trên địa bàn TP…

Tại Đà Nẵng, nét mới trong cơ cấu của Hội đồng PBGDPL là ngoài Chủ tịch Hội đồng do Phó Chủ tịch TP đảm trách, Phó Chủ tịch thường trực là Giám đốc Sở Tư pháp, còn có đến 3 Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chánh Văn phòng UBND TP; và mời Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Một trong những chức năng của Hội đồng là tham mưu cho UBND TP củng cố kiện toàn, đội ngũ những người làm công tác PBGDPL, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL…

Tại Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh đã Quyết định kiện toàn Hội đồng câp tỉnh, Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp. Các Ủy viên gồm đại diện một số ngành quan trọng trong tỉnh. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương; Hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại địa phương; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn; Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật…

Tại Lai Châu, đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu do 1 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; 24 thành viên còn lại là đại diện các ngành; có mời đại diện một số ngành tham gia. Cơ quan thường trực của Hội đồng là Sở Tư pháp. Tổ thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập theo quyết định của Cơ quan Thường trực Hội đồng và hoạt động theo chế độ kiêm nghiệm. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh cũng cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên Hội đồng

Theo báo cáo, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng. Thời gian vừa qua, Hội đồng các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Căn cứ vào thành phần Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương và yêu cầu thực tiễn của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành phần, số lượng thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp.

(Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật).

Trích nguồn: https://pbgdpl.moj.gov.vn/