TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ tư, 24/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Nhìn lại 05 năm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020

Thứ hai, 21/12/2020

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể ở địa phương rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách quan trọng về PBGDPL. Ngày 22/7/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh  về PBGDPL trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án số 07/ĐA-UBND)

Quang cảnh Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Đề án 07/ĐA-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật

Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh (Hội đồng phối hợp tỉnh), đã tổ chức quán triệt, ban hành văn bản số 387/HĐPH-STP ngày 16/10/2015 về việc triển khai thực hiện Đề án số 07/ĐA-UBND; ban hành Kế hoạch số 12/KH-HĐPH ngày 04/4/2016 nhằm định hướng, xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động của Hội đồng phối hợp tỉnh trong giai đoạn 2016 -2020. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 về kế hoạch thực hiện chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong 05 năm qua, Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành hơn 30 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các ngành thành viên của Hội đồng đã ban hành văn bản triển khai và tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình; các huyện, thành phố đã ban hành 238 văn bản để tổ chức triển khai nhiệm vụ PBGDPL và chỉ đạo UBND cấp xã triển khai trên địa bàn, bảo đảm nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương.

Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp được chú trọng. Đến nay, Hội đồng phối hợp tỉnh đã được kiện toàn gồm 31 thành viên đại diện 28 sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Hội đồng phối hợp cấp huyện từ 23 đến 29 thành viên, bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần theo quy định của pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên pháp luật được rà soát, kiện toàn đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, đến nay toàn tỉnh có 97 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 229 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 875 tuyên truyền viên (tăng 134 tuyên truyền viên so với năm 2016). Bên cạnh đó, một số ngành thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh như: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên Đoàn lao động tỉnh... đã xây dựng được 347 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của ngành, đơn vị mình. Trong 05 năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp tỉnh và Hội đồng Phối hợp cấp huyện đã tổ chức tập huấn 83 hội nghị cho 9.225 đội ngũ nguồn nhân lực các cấp (ở cấp tỉnh 2-3 hội nghị/năm; cấp huyện 6 hội nghị/năm, cấp cơ sở 9-10 hội nghị tập huấn/năm).

Với phương châm văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực của ngành nào thì ngành đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện. Trong 05 năm, toàn tỉnh đã thực hiện được 17.570 hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép phổ biến pháp luật cho 1.565.868 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật văn bản pháp luật mới, về các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như: hôn nhân và gia đình, đất đai, hộ tịch; môi trường, phòng chống tham nhũng, du lịch, khiếu nại, tố cáo...Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp các cấp đã tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương như bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các Cuộc thi, Hội thi tìm hiểu pháp luật…tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú. Ngoài ra, tiến hành cấp phát 1.244.998 tài liệu tuyên truyền (sách pháp luật, đề cương, bản tin tư pháp, tờ rơi, tờ gấp, bano, áp phích…); đăng tải 51.566 tin, bài tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan đơn vị.

Trong 05 năm, toàn tỉnh đã tổ chức, hưởng ứng triển khai nhiều cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật như: Hội thi Hòa giải viên giỏi (năm 2016); Cuộc thi viết tìm hiểu Luật An ninh mạng; Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường”; các ngành thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh đã phối hợp tổ chức 27 hội thi, hội diễn có lồng ghép chủ đề tuyên truyền về pháp luật; Hội đồng phối hợp cấp huyện cũng tổ chức 12 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật thu hút hàng nghìn hội viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ, giáo viên, học sinh và người lao động tham gia.

PBGDPL thông qua việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật và sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật cũng đạt được nhiều kết quả. Toàn tỉnh hiện có 1.015 tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại các xã, phường thị trấn, nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với 101.772 đầu sách pháp luật (trong đó 143/143 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật). Trong 5 năm, Sở Tư pháp đã trang bị bổ sung 17.246 cuốn sách pháp luật, 1.700 Sổ tay hòa giải; 1.000 sổ tay xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp phát cho Tủ sách pháp luật cơ sở. Mô hình Câu lạc bộ phát luật được duy trì về số lượng và từng bước nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 540 câu lạc bộ pháp luật như Câu lạc bộ Thanh niên, Phụ nữ, nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Trợ giúp pháp luật... Các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt theo quy chế hoạt động định kỳ 01 lần/quý, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật mới, tư vấn pháp luật cho các hội viên.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã chủ động triển khai và đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở từ việc củng cố kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải. Đến nay, toàn tỉnh có 1.684 tổ hòa giải với 9.886 hòa giải viên (Nam chiếm 64%, Nữ chiếm 36%). Các tổ hòa giải được kiện theo thôn, xóm, tổ dân phố (trung bình mỗi thôn, phố một tổ hòa giải) đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn. Trong 05 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 3.766 vụ việc, hòa giải thành: 3.100 vụ việc (đạt 82.3%); hòa giải không thành 539 vụ việc. Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao (trên 80% vụ việc tiếp nhận) như thành phố Tam Điệp, huyện Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án số 07/ĐA-UBND, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào nề nếp, các cấp, các ngành đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Đề án để thực hiện. Đến nay các mục tiêu của Đề án cơ bản đã  được hoàn thành, một số mục tiêu đã hoàn thành vượt mức.

- Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, đã tạo được sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Huy động được sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành các tổ chức đoàn thể tham gia vào công tác phổ biến pháp luật cho nhân dân, vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

- Công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, nội dung PBGDPL đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương; gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước; Nhận thức, ý thức tìm hiểu, tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

- Những văn bản pháp luật, có phạm vi điều chỉnh rộng liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội và các quyền, nghĩa vụ của người dân theo nội dung của Đề án xác định, đã được các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phổ biến đa dạng, phong phú, một số mô hình PBGDPL mới, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa phương đã được hình thành như: đối thoại chính sách pháp luật, kết hợp tuyên truyền với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; tuyên truyền thông qua lồng ghép vào các phong trào quần chúng, phong trào văn hóa; duy trì và dần khẳng định hình thức “ Ngày Pháp luật Việt Nam”  là nét mới trong ý thức sinh hoạt văn hóa pháp lý của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; định kỳ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kỹ năng phổ biến pháp luật. Nguồn kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác PBGDPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua 05 thực hiện Đề án số 07/ĐA- UBND vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, một số nhiệm vụ, mục tiêu thực hiện chưa đạt được hiệu quả cao, đó là:

- Công tác tham mưu chỉ đạo cho cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn trông chờ vào hướng dẫn của cấp trên do đó còn thiếu chủ động trong hoạt động tại đơn vị, địa phương. Công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án đôi lúc chưa được thực hiện thường xuyên đặc biệt là dưới cơ sở, chủ yếu là được lồng ghép với công tác kiểm tra chuyên môn của cơ quan Tư pháp, chưa có nhiều cuộc kiểm tra theo chuyên đề chuyên sâu.

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai sâu rộng, toàn diện đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật chưa được các cấp, các ngành chú trọng phối hợp tổ chức thực hiện thường xuyên (chủ yếu là ngành quản lý đối tượng đặc thù nào thì ngành đấy thực hiện).

- Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã có đổi mới, sáng tạo nhưng chưa nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, cuộc họp vẫn còn chiếm ưu thế; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL chưa mạnh mẽ, hiệu quả. Một số hình thức PBGDPL qua sinh hoạt của Câu lạc bộ pháp luật chưa có hiệu quả rõ nét; vai trò của tủ sách pháp luật truyền thống ngày càng mờ nhạt trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay. Hình thức tuyên truyền thông qua phiếu khảo sát, thăm dò dư luận xã hội để thu thập thông tin phản hồi của cán bộ, nhân dân về hiệu quả công tác PBGDPL và thực thi pháp luật chưa được triển khai thực hiện.

- Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở mặc dù đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án, nhưng mới chỉ tập trung xây dựng, đánh giá đối với các xã đăng ký phấn đấu về đích nông thôn mới; chưa lựa chọn và xây dưng được đơn vị điểm để thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, toàn tỉnh mới xét đạt chuẩn 128/143 xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt gần 90%).

- Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật tuy số lượng đông nhưng trình độ không đồng đều nhất là ở cơ sở còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền. Hơn nữa, đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ pháp chế sở ngành lại kiêm nhiệm nên vị trí công tác có thể thay đổi, việc nghiên cứu chuyên sâu, biên soạn tài liệu, tham gia công tác phổ biến pháp luật tại cơ sở chưa thường xuyên.

- Nguồn kinh phí thực hiện Đề án 07/ĐA-UBND mặc dù đã được ngân sách cấp tỉnh cấp đúng đủ theo yêu cầu của Đề án, tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ của công tác PBGDPL hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế; chưa huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác PBGDPL. Kinh phí thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm của Đề án về hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật mới được cấp kinh phí ở cấp tỉnh phục vụ cho việc tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ; ở các huyện, thành phố hầu như chưa có kinh phí riêng để thực hiện, đều lồng ghép với kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong thời gian tới, để việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai Đề án nói riêng thực sự có hiệu quả cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức (về nhân lực, phương tiện, kinh phí thực hiện) của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cho công tác này; sự nhất quán, đồng bộ, thống nhất chặt chẽ, kịp thời trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Đề án từ tỉnh đến huyện, xã. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; nâng cao vai trò đầu mối của cơ quan Tư pháp, cán bộ Pháp chế của các sở, ban, ngành; phát huy trách nhiệm, năng lực, trình độ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, coi trọng công tác phát hiện, tổng kết, đánh giá các mô hình, phương pháp, cách làm hiệu quả trong quá trình thực hiện Đề án để rút kinh nghiệm; nhân rộng các hình thức PBGDPL có hiệu quả trong thực tế. Mặt khác, cần quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và nhắc nhở, đôn đốc, có cơ chế xử lý phù hợp những đơn vị, cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện Đề án, để tạo động lực thúc đẩy thực hiện Đề án trong các năm tới có hiệu quả thiết thực hơn.

Những bài học kinh nghiệm này mãi sẽ là kim chỉ nam định hướng cho tổ chức, triển khai công tác PBGDPL trong những năm tiếp theo từ đó góp phần quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

T.H