TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 25/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Một số kết quả nổi bật qua 05 năm thực hiện chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, 05/09/2022

Thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ngày 02/4/2018 Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-HLHPN về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022

Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp xác định nội dung, lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp, để phát huy hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhất là đối với đối tượng là chị, em phụ nữ, cụ thể các địa phương đã triển khai, áp dụng thực hiện nhiều hình thức PBGDPL:

Trong 5 năm, hai ngành phối hợp tổ chức 2.707 hội nghị cho 270.840 đại biểu là báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên, hội viên Hội phụ nữ, thành viên Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật ở các xã, phường, thị trấn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013, các Luật, pháp lệnh và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước, về công tác phụ nữ, bình đẳng giới như: Bộ Luật Dân sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Tiếp Công dân, các quy định về vi phạm pháp luật về bình đẳng giới… Qua đó, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong cuộc sống.

Việc PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên thông qua việc biên tập, đăng tải 1.216 tin, bài trên trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trang thông tin điện tử của 2 ngành, trang Fanpange, nhóm zalo, Facebook nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng tuyên tuyền các tin tức, hoạt động, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ và trẻ em, công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã cấp phát gần 1.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật; Sở Tư pháp đã cấp phát 808 cuốn sách pháp luật cho tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nội dung liên quan đến các vấn đề pháp luật về hôn nhân gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Để hưởng ứng và thực hiện Ngày pháp luật Việt Nam, hằng năm, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh có văn bản chỉ đạo Phòng Tư pháp và các cấp Hội tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của ngày pháp luật Việt Nam; đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới với các hình thức: tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật... kết hợp tư vấn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nhân Ngày Pháp luật Việt Nam.

Sở Tư pháp đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.686 tổ hòa giải với 9.836 hòa giải viên, trong đó có 3.451 hoà giải viên nữ. Các hoà giải viên nữ đều có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân và có hiểu biết pháp luật đảm bảo theo quy định của pháp luật. Từ năm 2018 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 3.149 vụ việc, hòa giải thành 2.509 vụ việc (đạt 80%) trong đó có 241 vụ việc phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình. Các hòa giải viên nữ đã phát huy được vai trò trong quá trình hòa giải; kịp thời tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, góp phần hạn chế khiếu kiện, tố cáo trái pháp luật, vượt cấp, giữ vững an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ là một nội dung của Chương trình phối hợp được hai cơ quan thực hiện thường xuyên hằng năm thông qua nhiều hình thức, các hình thức luôn được đổi mới, sáng tạo, nội dung bám sát với nhiệm vụ của Hội như: Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách kết hợp với trợ giúp pháp lý lưu động. Trong 5 năm, các cấp Hội chủ trì và phối hợp vớingành Tư pháp tổ chức 396 buổi tuyên truyền về Luật phòng chống mua bán người, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai... kết hợp với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thu hút gần 50.000 lượt người tham gia; đã thực hiện tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật cho 1.429 trường hợp về các lĩnh vực: hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, các chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách đối người có công với cách mạng, người khuyết tật, người nghèo...

Hằng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu, giúp Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh hướng dẫn các ngành thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh, Hội đồng phối hợp các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên pháp luật đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có thành viên nữ tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 43/86 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là nữ chiếm 63% (trong đó có 02 báo cáo viên của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành viên Ban nữ công, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Sở Tư pháp...). Bên cạnh đó, Ngành Tư pháp các cấp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc xây dựng, thành lập, duy trì các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý cho phữ”. Đến nay, toàn tỉnh có 4.390 phụ nữ tham gia sinh hoạt tại 70 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; 240 phụ nữ tham gia thành viên của 4 câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý cho phữ”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nữ cán bộ, công chức, viên chức được 02 ngành đặc biệt quan tâm. Trong 05 năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức 04 Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho 600 lượt báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế sở, ngành. Qua đó, giúp cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật nói chung và đội ngũ cán bộ Hội các cấp được nâng cáo kiến thức pháp luật, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng PBGDPL....

Thời gian tới hai ngành xác định tiếp tục tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp cấp ủy, chính quyền đối với công tác PBGDPL nói chung và phụ nữ nói riêng, từng bước tạo được ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong phụ nữ và Nhân dân; góp phần bảo vệ và phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đồng thời, tăng cường trao đổi, thông tin, phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ, lồng ghép, gắn triển khai các nội dung phối hợp trong các chương trình, kế hoạch PBGDPL của tỉnh và trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai ngành.

 Hằng Nga