TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 29/03/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Một số văn bản có hiệu lực từ tháng 10/2021

Thứ ba, 05/10/2021

1. Tăng thời gian nghỉ phép cho quân nhân

Ngày 23/8/2021 Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 109/2021/TT-BQP  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2016/TT-BQP quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2021.

Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng công tác dưới 15 năm được nghỉ 20 ngày; từ đủ 15 đến dưới 25 năm được nghỉ 25 ngày; từ đủ 25 năm trở lên được nghỉ 30 ngày.

Số ngày nghỉ phép sẽ được tăng thêm đối với những quân nhân công tác ở một số địa bàn đặc biệt. Cụ thể:

- Được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên.

- Được nghỉ thêm 05 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực; hoặc đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực từ 0,5 trở lên (quy định hiện hành là phải đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7).

Thời gian đi đường không tính vào số ngày được nghỉ phép đối với: Nghỉ phép năm; nghỉ phép năm thuộc các trường hợp được nghỉ thêm; nghỉ phép đặc biệt.

2. Nhiều hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Ngày 26/08/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/DN. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày DN ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...

Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...

3. Cho phép thi tuyển thạc sĩ theo hình thức trực tuyến

Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021 thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã bổ sung các quy định mới về việc tổ các lớp học trực tuyến khi đào tạo trình độ thạc sĩ. Cụ thể:

- Trong điều kiện bình thường, các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.

- Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Xem xét không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh

Ngày 28/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Theo đó, tại Điều 17 quy định: Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

T.H