TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 19/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Một số văn bản có hiệu lực từ tháng 02/2022

Thứ tư, 09/02/2022

1. Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% trong năm 2022

Ngày 28/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và được áp dụng kể từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

2. Tăng thời gian làm thêm của người lao động thời vụ

Ngày 15/12/2021, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tình thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.

Theo đó, Điều 6 quy định Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm như sau:

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ.

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ.

- Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ.

- Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định về thời giờ làm việc, làm thêm theo tuần hoặc theo tháng, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH.

- Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về thời giờ nghỉ ngơi: hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động. Việc nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca đối với từng người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

3. Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức ngành di sản văn hóa

Có hiệu lực từ ngày 05/02/2022, Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa. Theo đó, đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ở cả 4 hạng chỉ quy định:

- Có bằng đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Như vậy, Thông tư đã bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức ngành di sản văn hóa.

4. Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Thông tư 17/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực từ ngày 05/02/2022 và thay thế Thông tư 04/2014/TT-BXD ngày 22/4/2014.

Theo đó, tại Điều 3 quy định 3 nội dung giám định tư pháp xây dựng gồm:

- Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

- Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

- Giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và bất động sản.

5. Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng

Nghị định 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022. Theo đó, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 134/2021/NĐ-CP cũng quy định vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

6. Miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, Điều 104 quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công. Cụ thể:

 - Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945.

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

+ Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

- Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

7. Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học

Ngày 31/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

Theo đó, Điều 3 Thông tư 33/2021/TT-BYT quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người học theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục. Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

8. Quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử

Ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 27/2021/TT-BYT quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Theo đó, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tránh nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú; gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử; tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện…

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2022. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử quy định tại Thông tư này theo lộ trình cụ thể như sau:

- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 01/12/2022.

9. Quy định mới về xuất xứ hàng hóa

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022. Theo đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

- Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

- Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

- Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

10. Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước có hiệu lực từ ngày 21/02/2022 và thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007.

Theo đó, tăng một số mức hỗ trợ cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước như:

- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/trường hợp (theo Quyết định 144/2007/QĐ-TTg mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng/trường hợp)

- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài: 40.000.000 đồng/trường hợp (theo Quyết định 144/2007/QĐ-TTg mức hỗ trợ là 10.000.000 đồng/trường hợp).

T.H