TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 29/03/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ

Thứ năm, 28/01/2021

Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp Ninh Bình xin giới thiệu với quý bạn đọc một số nội dung cơ bản của Nghị định số 154/2020/NĐ-CP liên quan đến công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, cụ thể như sau:

1. Bổ sung quy định về xác định một số nghị quyết do Hội đồng nhân dân ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật

Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định Nghị quyết của HĐND về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

2. Sửa đổi quy định về trường hợp HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Nếu khoản 4 Điều 4 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thuộc 03 trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thì tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP chỉ quy định 01 trường hợp Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì mới phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về kỹ thuật viện dẫn văn bản

Nếu khoản1 Điều 75 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chỉ quy định về kỹ thuật viện dẫn văn bản mang tính chung chung (không phân biệt là viện dẫn lần đầu hay những lần tiếp theo), thì tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã quy định rõ khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản. Trong lần viện dẫn tiếp theo, đối với luật, pháp lệnh, ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản; đối với các văn bản khác, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản đó.

4. Sửa đổi quy định về thời gian công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực của Chủ tịch UBND các cấp

Nếu khoản 1 Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định định kỳ hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc trách nhiệm rà soát của mình, bao gồm cả văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực, thì tại khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định thời gian chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc trách nhiệm rà soát của mình.

5. Bổ sung quy định về hình thức văn bản công bố kết quả rà soát

Tại khoản 37 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định văn bản công bố kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn là văn bản hành chính.

6. Sửa đổi quy định về loại văn bản phải được định kỳ hệ thống hóa

Nếu Điều 164 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được định kỳ hệ thống hóa là văn bản  quy phạm pháp luật còn hiệu lực thì tại khoản 38 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được định kỳ hệ thống hóa là văn bản quy phạm pháp luât, điều này được hiểu là hệ thống hóa văn bản không chỉ được thực hiện đối với văn bản còn hiệu lực mà cả đối với văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lựcđược ban hành trong kỳ hệ thống hóa.

7. Sửa đổi quy định về thời gian công bố kết quả hệ thống hóa văn bản

Nếu Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định thời gian công bố kết quả hệ thống hóa kể từ thời điểm hệ thống hóa là 30 ngày và 60 ngày, thì tại khoản 39 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về thời gian theo hướng xác định rõ ngày, tháng công bố như sau: kết quả hệ thống hóa văn bản phải được công bố chậm nhất là ngày 01 tháng 02 đối với văn bản của trung ương, ngày 01 tháng 3 đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp của năm liền sau năm cuối cùng của kỳ hệ thống hóa.

8. Sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng chuyên gia

Nếu Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định 04 trường hợp được sử dụng chuyên gia (trong quá trình lập đề nghị xây dựng chính sách; soạn thảo; thẩm định và thẩm tra) thì tại khoản 41 Điều 1 Nghị định số 54/2020/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp sử dụng chuyên gia trong quá trình kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa.

9. Bổ sung quy định về viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật

Nếu Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không quy định về viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật, thì tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã bổ sung nội dung quy định về chữ viết hoa trong văn bản và được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Các trường hợp viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật như: viết hoa vì phép đặt câu: viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: sau dấu chấm câu (.); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (:"…"); khi xuống dòng hoặc bắt đầu đoạn; viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của khoản, điểm; viết hoa danh từ riêng chỉ tên người; viết hoa tên địa lý; viết hoa tên cơ quan, tổ chức và viết hoa trong một số trường hợp khác.

10. Bổ sung một số mẫu văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND

a) Bổ sung nghị quyết của Hội đồng nhân dân bãi bỏ Nghị quyết/các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; quyết định của Ủy ban nhân dân bãi bỏ quyết định/các quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện theo mẫu số 42 và mẫu số 43 tại phần III Phụ lục I kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

b) Bổ sung đề cương chi tiết dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đề cương chi tiết nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều thực hiện theo mẫu số 07 và mẫu số 11 tại Phụ lục V kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

Ngoài các nội dung trên, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương trong công tác xây dựng, rà soát và xử lý văn bản; đánh giá tác động chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; trình tự hệ thống hoá văn bản…

Chi tiết tại file đính kèm

Thiều Tú