TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ ba, 16/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Một số điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020

Thứ tư, 25/11/2020

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Đầu tư 2014. Luật Đầu tư 2020 có một số điểm mới sau:

1. Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Tại Điều 6 quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Trong đó, có ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trường hợp căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;  Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Do đó, trong thời gian sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài để áp dụng khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành.

3. Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Tại khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay, gồm: Giáo dục đại học; Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung thêm các hình thức và đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại Điều 15.

4. Điểm mới về nơi nộp hồ sơ dự án đầu tư (Điều 34, 35, 36)

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện hành nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư).

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện hành nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư).

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.

5. 5 trường hợp không phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Theo đó tại khoản 1 Điều 43 quy định Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:

- Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

- Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;

- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

- Nhà đầu tư là đơn vị sự nghiệp có thu, công ty phát triển khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế.

6. Các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện

Từ 01/01/2021, các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài, không được đầu tư kinh doanh vào các ngành nghề sau: 08 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh tại Mục 1. kể trên và các điều ước quốc tế có liên quan; Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư vào các ngành, nghề: Ngân hàng; Bảo hiểm; Chứng khoán; Báo chí, phát thanh, truyền hình; Kinh doanh bất động sản phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo pháp luật. Điều kiện đầu tư ra nước ngoài được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

P.T