TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 29/03/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021

Thứ hai, 05/04/2021

1. Thống nhất sử dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới từ  ngày 01/4/2021

Căn cứ Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sẽ được sử dụng thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 01/4/2021. Thẻ bảo hiểm y tế đã cấp còn thời hạn sử dụng trước ngày này thì người dân tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới được đánh giá là có nhiều ưu điểm so với mẫu thẻ bảo hiểm y tế giấy đã sử dụng hiện nay. Cụ thể:

- Kích thước nhỏ hơn, được ép plastic; mã số thẻ ngắn gọn với 10 ký tự;

-Thêm thông tin nơi cấp, nơi đổi thẻ để người dân tiết kiệm thời gian tìm kiếm nơi cấp, đổi thẻ;

- Bỏ thông tin về địa chỉ cư trú trên thẻ bảo hiểm y tế. Thông tin về địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc) sẽ được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế và Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Bảo hiểm y tế của trẻ dưới 06 tuổi không còn ghi tên cha, mẹ;

- Mặt sau của thẻ mới bổ sung hướng dẫn tra cứu thông tin về thẻ, kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh, tổng đài tư vấn giải đáp thắc mắc…

2. Bổ sung thêm loại phí hải quan mới

Ngày 18/02/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/4/2021.

Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung quy định mức phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ; phí hải quan cấp lại sổ ATA là  500.000 đồng/sổ.

3. Đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi bị phạt đến 3 triệu đồng

Ngày 01/3/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, có hiệu lực từ ngày 20/4/2021. Theo đó, tại khoản 1 Điều 29 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi sau: không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào tổng khối lượng động vật vi phạm.

4. Sửa đổi liên quan đến đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Kể từ ngày 27/4/2021, Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thi hành; sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyến trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết thời gian của buổi thi.

5. Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế

Ngày 11/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2021.

Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

T.H