TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ sáu, 19/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Hội nghị trực tuyến về “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”

Thứ ba, 14/07/2020

Sáng 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Công tác dân vận trọng hoạt động hòa giải”. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị

Tại điểm cầu Ninh Bình, các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Việt Anh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính Tỉnh ủy; Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; Thường trực các huyện, thành ủy; Lãnh đạo Ban Dân vận, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và đại diện hòa giải viên ở cơ sở về dự.

Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò, nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, trong 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đến nay các địa phương đã tiếp nhận tổng số 875.312 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,9%; hòa giải không thành: 167.367 vụ việc.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Ninh Bình

Đối với tỉnh Ninh Bình, những năm qua các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả từ việc chỉ đạo, tổ chức thi hành, tuyên truyền phổ biến Luật đến việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, củng cố kiện toàn Tổ hòa giải theo quy định. Đến nay, 100% các thôn, xóm, tổ dân phố đã có tổ hòa giải; toàn tỉnh hiện có 1.678 tổ hòa giải với 10.580 hòa giải viên. Hầu hết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xích mích nhỏ tại các thôn, xóm, tổ dân phố đã được các hòa giải viên giải quyết kịp thời, góp phần duy trì thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận; hạn chế tối đa đơn thư, kiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của Nhà nước và công dân.

Hội nghị cũng đánh giá những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp, phương hướng thực hiện nhằm tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của công tác dân vận trong hòa giải ở cơ sở và hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Từ đó, cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở, coi đây là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó coi hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại.

Hà Phương Thảo