TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ năm, 25/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Thứ sáu, 13/01/2023

Ngày 04/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 102-KH/TU ngày 20/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

- Các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của phát luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm của các cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Theo dõi thi hành pháp luật của các đơn vị, cá nhân trong hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

- Huy động các nguồn lực để tham gia truyền thông, tuyên truyền về an ninh, an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò của Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Bình và các cơ quan thường trú của báo, đài Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về an ninh, an toàn thực phẩm. Khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

- Các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an ninh, an toàn thực phẩm đến các cơ quan truyền thông để kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến. Công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an ninh, an toàn thực phẩm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của Nhân dân.

- Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động.

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, việc sử dụng các chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu; có những biện pháp phù hợp để phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường.

- Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

4. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ xanh và sạch

- Tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhưng không trái với quy định chung, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh phát triển nhằm đảm bảo công tác an ninh, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm.

- Tập trung triển khai mở rộng quy mô, quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP); thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn, phát triển hàng hóa nông sản có chất lượng cao, hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi. Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đối với làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn; phát huy hiệu quả chương trình OCOP; áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển các nhãn hiệu sản phẩm thực phẩm có gắn tên địa danh.

- Xây dựng, thử nghiệm, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tư vấn, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn tiên tiến như: GMP, ISO, HACCP, hữu cơ,...

Bên cạnh đó, Kế hoạch còn đề ra nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đảm bảo các nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh, an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thực hiện bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm…

T.H