TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ tư, 17/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Ninh Bình: Triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam

Thứ hai, 26/12/2022

Thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, ngày 21/12/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Công văn số 524/UBND-VP9 về việc triển khai thực hiện Quyết định 1079/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh

- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 1079/QĐ-TTg đến các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ nội dung, nhiệm vụ của Đề án và tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng lồng ghép các nhiệm vụ truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trong kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại hằng năm của tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nội dung:

+ Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người định kỳ hoặc đột xuất; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, nhất là các đối tượng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản; cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh.

+ Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, xử lý thông tin về quyền con người trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thông tin trên báo chí, mạng xã hội để kịp thời tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

+ Tăng cường công tác quản lý thông tin trên báo chí và mạng Internet đăng phát thông tin sai sự thật, kích động dư luận, nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục văn hóa Việt Nam, gây thiệt hại đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời trong hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông về thực hiện quyền con người trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

+ Xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người (gồm các tài liệu, ấn phẩm, tin, bài, video, phóng sự, chương trình truyền thanh, pano, áp phích….) để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, bản tin điện tử, cụm thông tin cơ sở và các loại hình thông tin khác. Tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh, tư liệu, tranh cổ động về quyền con người.

+ Phối hợp với cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi ảnh, nghệ thuật về quyền con người trên địa bàn tỉnh.

+ Thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người: Thực hiện phát triển dữ liệu, số hoá, tích hợp và chia sẻ, khai thác dữ liệu về quyền con người; quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người phục vụ lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác chung các sản phẩm của Đề án.

+ Triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ số trong giám sát thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, phân tích các luồng thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp ứng phó; truyền thông chủ động, điều hướng thông tin, đấu tranh chống nạn tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người ở Việt Nam.

2. Công an tỉnh

- Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống buôn bán người; việc thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người trên địa bàn tỉnh; kết quả xử lý các vụ việc và đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ vi phạm pháp luật để phục vụ công tác truyền thông và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về nhân quyền.

- Nắm tình hình trên không gian mạng, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý các trường hợp trên địa bàn tỉnh đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc về nhân quyền tại Việt Nam.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu trên địa bàn tỉnh về thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về Quyền của Người khuyết tật; Công ước về Lao động di cư và gia đình họ; các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về quyền lao động và các điều khoản liên quan đến quyền của lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

4. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về quyền con người; phối hợp cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về thực hiện Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản liên quan.

6. Các cơ quan báo chí của tỉnh

- Tăng cường số lượng các tin, bài; bố trí dung lượng, thời lượng phù hợp để đăng tải, phát sóng các nội dung thông tin, tuyên truyền về quyền con người.

- Thường xuyên theo dõi, đăng phát thông tin tuyên truyền về công tác bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo... trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phản ánh ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; nêu gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ về quyền con người tại các địa phương.

- Lựa chọn các tác phẩm báo chí có chất lượng cao tham gia các hoạt động thi đua, khen thưởng, giải báo chí về công tác bảo vệ quyền con người do cấp Trung ương phát động và tổ chức.

- Tham gia công tác đào tạo và cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp bồi dưỡng về công tác nhân quyền và kỹ năng tuyên truyền về công tác quyền con người.

- Chủ động giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về quyền con người ở Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.

7. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trong phạm vi, lĩnh vực quản lý với hình thức phù hợp; đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông về quyền con người theo phạm vi quản lý.

- Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành về quyền con người ở Việt Nam mà cơ quan, đơn vị, ngành phụ trách, quản lý.

- Thực hiện chế độ bảo mật thông tin, bảo vệ bí mật an ninh, quốc phòng trong hoạt động truyền thông về quyền con người theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Xây dựng Kế hoạch truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn để tổ chức, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị./.

T.H