TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH NINH BÌNH
Thứ bảy, 20/04/2024 |
"THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI CÔNG DÂN"

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025

Thứ hai, 30/01/2023

Ngày 18/01/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

- Lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới vào các Chương trình tập huấn, Hội nghị, Hội thảo,... về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các tổ chức;

- Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; mở rộng thêm chuyên mục, tăng thời lượng, số lượng tin, bài về hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên các trang thông tin điện tử các cấp, nội dung phát thanh của hệ thống phát thanh cơ sở, kênh phát thanh, truyền hình tỉnh, báo chí;

- Tăng cường chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quan điểm, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã, huyện; đưa nội dung chuyển đổi số vào các hội nghị giao ban hàng tháng, quý để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

- Triển khai hệ thống kiến trúc, chuẩn hoá, cập nhật dữ liệu về nông thôn mới kết nối liên thông từ xã lên tỉnh để phục vụ công tác quản lý, hoạt động đánh giá, thẩm tra, thẩm định đối với địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; theo dõi, giám sát việc thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp và nhiệm vụ thuộc các chương trình chuyên đề;

- Triển khai bản đồ số về kết quả xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ công tác quản lý, tra cứu, tuyên truyền về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh theo Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp;

- Triển khai phần mềm phục vụ công tác thẩm tra, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

3. Chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức triển khai, thông tin truyền thông, đào tạo và tập huấn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã);

- Ứng dụng phần mềm chuyên dùng phục vụ công tác quản lý, theo dõi, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới;

- Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương;

- Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet;

- Chú trọng, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước; đảm bảo các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

4. Thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn

- Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế số thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ưu tiên chuyển đổi số trong quản trị tổ chức sản xuất, quản lý vùng nguyên liệu, giám sát môi trường, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số;

- Đẩy mạnh quá trình số hóa, triển khai bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn;

- Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

T.H